Hội thảo “Phát triển cộng đồng sử dụng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam – Cơ hội và Thách thức” đã được diễn ra vào ngày 22/10/2021 vừa qua. Đây là sự kiện đầu tiên trong Chuỗi hội thảo kết nối giải pháp công nghệ nâng cao chuỗi giá trị của doanh nghiệp, nằm trong khuôn khổ TECHFEST 2021, kết hợp giữa Làng dịch vụ hỗ trợ và kết nối cộng đồng, Làng sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cùng với Làng công nghệ tài chính.
Các dịch vụ tài chính số đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19
Hội thảo có sự tham gia của ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục thị trường và doanh nghiệp KH&CN và các diễn giả: TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV; TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp); Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch và Đồng Sáng Lập MoMo; Ông Bùi Hải An -Phó Tổng giám đốc phụ trách sản phẩm Timo Digital Bank và Ông Nghiêm Xuân Huy, CEO Finhay.
Về tình hình tăng trưởng quy mô thị trường tài chính của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, diễn giả TS. Cấn Văn Lực đã nhận xét thị trường tài chính Việt Nam phát triển tương đối nhanh. Tổng tài sản thị trường này trung bình mỗi năm tăng 18.3%, tương đương với gần 3 lần tốc đột tăng trưởng kinh tế. Riêng về Fintech, ông Cấn Văn Lực nhận định lĩnh vực này phát triển nhanh trên toàn thế giới, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và thói quen thanh toán của mọi người. Dự báo đến năm 2022, thị trường fintech toàn cầu sẽ đạt tổng giá trị 310 tỷ USD, mở ra một xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ. Ông Cấn Văn Lực cũng đã đưa ra một vài xu hướng của các dịch vụ tài chính số tại Việt Nam như: các định chế tài chính đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, dữ liệu khách hàng sẽ được sử dụng để tạo ra những sản phẩm thiết kế riêng, các công ty fintech, bigtech sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường tài chính thông qua việc cạnh tranh hoặc hợp tác với các định chế tài chính truyền thống, và các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn, báo hiệu một thị trường dịch vụ tài chính số sôi động và cũng đầy cạnh tranh.
Tuy vậy, rào cản lớn nhất để “Phát triển cộng đồng sử dụng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam” là các quy định về pháp lý. Theo diễn giả TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý, hoạt động của các công ty cung ứng giải pháp tài chính số, fintech, một số mô hình thanh toán mới, ứng dụng mở,… đều chưa có quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh. Để tháo gỡ khó khăn này, các Khung pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) là giải pháp hiệu quả. Vào tháng 9 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định nhằm thông qua đề nghị xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các hoạt động công nghệ tài chính (fintech). Đây sẽ là những môi trường pháp lý được thiết kế nhằm thử nghiệm trực tiếp các sản phẩm đổi mới sáng tạo, với một số giới hạn về không gian và thời gian. Từ đó, các cơ quan quản lý có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm, ứng phó chính sách phù hợp và giúp doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường.
Giải pháp để phát triển cộng đồng sử dụng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam
Với nhiều tiềm năng những cũng nhiều thách thức cho thị trường tài chính số tại Việt Nam, các diễn giả đã đề xuất nhiều giải pháp, thảo luận về các giải pháp công nghệ, trình bày những kết quả ứng dụng khoa học thực tiễn trong lĩnh vực tài chính số từ đó kết nối các giải pháp nâng cao hiệu quả của các dịch vụ tài chính số trong cộng đồng.
Với những kinh nghiệm và thành công mà Ngân hàng số Timo đạt được trong hơn 5 năm qua, Ông Bùi Hải An tin rằng một hệ sinh thái số dồi dào sẽ giúp các doanh nghiệp Fintech tiếp cận và kết nối với khách hàng dễ dàng hơn. Với mạng lưới hơn 20 đối tác đa dạng trong cả lĩnh vực tài chính và phi tài chính, Timo có thể kết nối với khách hàng ở mọi “điểm chạm”. Chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” hợp tác với nhiều đối tác tên tuổi như 7-Eleven, McDonald’s đã giúp Timo tiếp cận được tập khách hàng đa dạng và tiềm năng, cũng như giúp Timo có thể nhanh chóng “phủ sóng”, tăng độ nhận diện thương hiệu của mình một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Để phát triển các dịch vụ tài chính số nhanh hơn tại Việt Nam, các tổ chức tài chính số cần vượt qua rào cản pháp lý, xây dựng lòng tin của khách hàng. Bên cạnh đó là việc xây dựng hệ sinh thái số, tối ưu các lợi thế đến từ đối tác nhằm mang lại cho khách hàng những giải pháp tài chính số gần gũi và tiện lợi. Với tỷ lệ dân số tham gia hệ thống tài chính còn thấp nhưng tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh và mức độ thâm nhập internet lại khá cao, cùng với dân số trẻ, am hiểu về ứng dụng kỹ thuật số, có thể nói đây chính là thời điểm “vàng” cho ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng Việt Nam tạo ra những đột phá và đổi mới.
Minh Tuấn
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/phat-trien-cong-dong-su-dung-dich-vu-tai-chinh-so-tai-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-a2798.html