Cuối năm, doanh nghiệp kinh doanh ô tô ‘chật vật’ chạy đua doanh số

Giá bán nhiều dòng xe biến động, sức mua chững lại trong khi ngân hàng vẫn đang thắt chặt việc cho vay... khiến hoạt động kinh doanh ô tô gặp không ít khó khăn trong tháng cuối năm vốn được xem là một trong những “thời điểm vàng” để các đại lý ô tô “chạy” doanh số.

Sau giai đoạn liên tiếp tăng trưởng và cho thấy dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ, thị trường ô tô Việt Nam bất ngờ chững lại trong giai đoạn chạy nước rút vốn từng được các đại lý ô tô xem như thời điểm vàng để “chạy” doanh số.

Cuối năm, doanh nghiệp kinh doanh ô tô ‘chật vật’ chạy đua doanh số - ảnh 1

Thị trường ô tô Việt Nam bất ngờ chững lại trong giai đoạn "chạy nước rút"

Bá Hùng

Theo “thói quen” của thị trường ô tô Việt Nam tháng 11, 12 hàng năm được xem là thời điểm nhu cầu sắm ô tô của người Việt gia tăng để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, đi lại trước khi bước vào Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, “bước” vào chặng nước rút, thị trường ô tô Việt Nam năm nay lại chậm lại một cách không một doanh nghiệp nào ngờ đến.

Thị trường ô tô Việt Nam có gì nổi bật trong năm 2022?
đình tuyên

Trao đổi với Thanh Niên, Giám đốc kinh doanh của một đại lý Ford tại TP.HCM cho biết: “Chưa có tháng cuối năm nào lại khó khăn như năm nay. Phần lớn thời gian trong năm 2022 đại lý gặp khó khi nhà máy không có đủ nguồn cung, tuy nhiên khi lượng xe dồi dào trở lại, hy vọng cải thiện doanh số trong mùa bán hàng cuối năm mở ra, nhưng đến nay với những diễn biến khó lường của thị trường, thực sự chúng tôi như bị “dội gáo nước lạnh”.

Cuối năm, doanh nghiệp kinh doanh ô tô ‘chật vật’ chạy đua doanh số - ảnh 2

Doanh số bán hàng của toàn thị trường đang sụt giảm

Bá Hùng

Sức mua ô tô trên thị trường bất ngờ chững lại. Số liệu bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho thấy, trong tháng 11.2022 doanh số bán hàng của toàn thị trường 36.376 xe, giảm 0,5% so với tháng 10.2022. Thậm chí, so với tháng cùng kỳ năm ngoái, khi thị trường ô tô mới trở lại sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh số bán ô tô trong tháng qua còn thấp hơn khoảng 6%. Doanh số bán hàng của hầu hết các thương hiệu ô tô đang kinh doanh tại Việt Nam đều sụt giảm.

“Sức mua đang giảm rõ rệt, thông thường trong 3 tháng cuối năm lượng ô tô bán ra thường gia tăng và gần bằng khoảng 50 - 70% tổng lượng ô tô bán ra trong cả 3 quý đầu năm nhưng năm nay thì khó có thể đạt được” - nhân viên bán hàng của một đại lý Hyundai chia sẻ.

Thực tế so với giai đoạn nửa đầu năm 2022, nguồn cung xe du lịch từ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã được cải thiện, tuy nhiên biến động giá của nhiều mẫu mã đã tác động đến tâm lý khách hàng mua ô tô. Từ quý 4/2022, theo lý giải của nhiều doanh nghiệp ô tô, chi phí linh kiện đầu vào kéo theo chi phí sản xuất gia tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động… khiến giá bán nhiều mẫu mã ô tô phổ thông của các thương hiệu như Kia, Toyota, Hyundai, Peugeot... liên tục gia tăng. Nhiều hãng xe sang như Mercedes-Benz cũng đã lên lịch tăng giá bán xe, mức tăng từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Cuối năm, doanh nghiệp kinh doanh ô tô ‘chật vật’ chạy đua doanh số - ảnh 3

Nhiều mẫu mã ô tô trên thị trường liên tục tăng giá bán

Bá Hùng

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng thắt chặt cho vay đã gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường ô tô Việt Nam, bởi theo các đại lý ô tô hiện nay khoảng 65 - 70% khách hàng vay mua ô tô. Lãi suất cho vay tăng cao, trong khi các gói tín dụng, cho vay ngày càng bị thắt chặt... khiến các đại lý ô tô mất đi lượng lớn khách hàng.

Trưởng nhóm kinh doanh của một đại lý Toyota tại TP.HCM lý giải: “Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán… đang bước vào chu kỳ suy thoái và gần như đóng băng. Dòng tiền theo đó cũng bị mắc kẹt, lượng tiền mặt dành cho tiêu dùng, mua sắm theo đó cũng giảm đáng kể. Trong khi đó, một số ít ngân hàng vẫn đang chấp nhận giải ngân cho vay mua ô tô, tuy nhiên lãi suất khá cao và hồ sơ vay cần rất đẹp”.

Tại một đại lý Ford ở TP.HCM, nhân viên bán hàng cho biết, những năm trước đây những dòng xe có giá hơn 2 tỉ đồng như Explorer được khách hàng tranh nhau mua, nhiều khách sẵn sàng trả đủ tiền mặt để lấy xe sớm. Tuy nhiên, hai tháng gần đây những dòng xe có giá tiền tỉ đã khó bán hơn.

Cuối năm, doanh nghiệp kinh doanh ô tô ‘chật vật’ chạy đua doanh số - ảnh 4

Thị trường ô tô năm 2022 đang dần khép lại bằng “cung nhạc buồn”

Bá Hùng

Ngay cả các dòng xe phổ thông có giá dưới 900 triệu đồng, khách hàng muốn mua xe theo hình thức vay vốn cũng đang gặp không ít khó khăn. Theo một số nhân viên ngân hàng, dù chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% (nới room) cho toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng chưa có tên trong quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, vay mua xe ô tô với mục đích tiêu dùng cá nhân lúc này chưa khả thi.

Năm 2022 đang trôi về những ngày cuối, tại các đại lý ô tô lượng khách mới vơi dần, trong khi các nhóm bán hàng cũng đang “đau đầu” khi nhiều xe ô tô đã bán vẫn đang mắc kẹt tại đại lý khi ngân hàng vẫn đang xem xét việc giải ngân với những khách vay mua ô tô. Thị trường ô tô năm 2022 đang dần khép lại bằng “cung nhạc buồn”. Thực tế, lượng ô tô bán ra trong năm 2022 đang tăng trưởng và có thể lập kỷ lục mới, tuy nhiên theo các chuyên gia trong ngành, những khó khăn trong giai đoạn cuối năm đang dự báo cho một khởi đầu nhiều thách thức với thị trường ô tô Việt Nam.

Tin liên quan

Lộ diện thương hiệu ô tô hút khách nhất Việt Nam năm 2022 Năm 2022, gần 6.400 ô tô tại Việt Nam ‘lãnh án’ triệu hồi, Mercedes chiếm đa số 6 điểm nhấn trên thị trường ô tô Việt Nam năm 2022

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/cuoi-nam-doanh-nghiep-kinh-doanh-o-to-chat-vat-chay-dua-doanh-so-a27283.html