Sống bầy hầy sao giáo dục được quần chúng
* Xin chào nghệ sĩ Lê Thiện! Đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) vừa cho biết những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ…) tới đây, nếu vi phạm pháp luật sẽ bị "phong sát” như: cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm mạng xã hội. Bà nghĩ gì về điều này?
- Nghệ sĩ Lê Thiện: Tôi chưa đọc thông tin này. Nhưng thời gian qua, nhiều vấn đề ảnh hưởng tới đông đảo nghệ sĩ khiến tôi bức xúc, một bộ phận khán giả đang nhìn nghệ sĩ một cách rẻ rúng.
Việc cấm biểu diễn thực ra không mới. Cắt sóng thì tôi chưa biết nhưng trên sân khấu là có rồi, diễn viên đang đóng vai người tốt, vai anh hùng, tiêu biểu, mà vi phạm pháp luật sẽ bị cắt vai ngay. Với tôi, nên có hình thức như vậy để răn đe.
Ngày xưa vai rất ít, tác phẩm rất ít, diễn viên tài giỏi rất ít, việc tuyển chọn vai cũng rất khắt khe. Anh giỏi nhưng anh không có đạo đức cũng không phân vai đó cho anh đóng đâu, vì diễn viên không phải là con rối. Nghệ thuật không chỉ để giải trí mà còn là giáo dục. Anh sống bầy hầy vậy mà anh đóng vai giáo dục quần chúng làm sao giáo dục được. Việc cắt vai không mới. Xưa có câu “hồng và chuyên” là như vậy.
NSƯT Lê Thiện chia sẻ cùng các diễn viên trẻ Khánh My |
* Bà có nghe những thông tin về mặt trái của nghệ sĩ: quảng cáo lố, bê bối đời tư… thời gian qua?
- Tôi đã nghe và tôi buồn. Thời gian gần đây, tôi có những buổi trò chuyện với các bạn trẻ. Tôi đến với không chỉ vai trò nghệ sĩ, mà tôi nói với tư cách như một người lớn tuổi, như cha mẹ, bà của các bạn. Làm nghệ thuật khó lắm, là nghề vinh quang không phải ai cũng làm được. Ngày xưa để trở thành nghệ sĩ, xứng với hai chữ nghệ sĩ rất khó, chứ không như giờ.
Giờ hát vài bài là ca sĩ, diễn một hai vai đã là nghệ sĩ. Danh xưng bây giờ nó dễ quá, có khi là tự xưng chứ không phải ai phong cho, nên nhiều người dễ ngộ nhận. Ngay cả người xem cũng dễ ngộ nhận, dễ lên án, cái gì cũng hai chữ nghệ sĩ. Trên YouTube giờ tự do quá.
Thói xấu con người ai cũng có nhưng nghệ sĩ người ta dễ biết hơn. Tự mình không biết tự rèn luyện, nghiêm khắc với chính mình rất dễ lạc đường.
Về việc quảng cáo, tôi cũng được mời quảng cáo nhiều lắm, cát sê được lắm, nhưng trước khi làm tôi phải cân nhắc: ví dụ giảm béo trong hai tuần lễ mà giảm bao nhiêu ký thì anh phải biết kể cả anh nhịn đói cũng không xuống nhanh như vậy.
Giờ nghệ sĩ, ngôi sao nhiều quá
* Nghĩa là bà đồng ý với biện pháp phong sát này?
- Dùng từ phong sát tôi thấy hơi nặng nề. Tôi không thích từ đó. Tôi chỉ muốn chấn chỉnh lại, giáo dục với anh chị em nghệ sĩ. Giáo dục hết sức quan trọng, Một tác phẩm chuẩn bị dàn dựng, đạo diễn phải biết phân tích nhân vật, thời kỳ lịch sử xã hội ra sao để diễn viên học hỏi cũng là giáo dục.
Nên như vậy để có sự tỉnh ngộ. Tôi không bắt buộc ai phải theo mình. Tôi nói với tư cách người bình thường thôi. Sống đạo đức, tuân theo quy định pháp luật là chuyện mà con người cần làm chứ không phải riêng nghệ sĩ.
Ngày trước để một vai phải có hội đồng này, hội đồng kia. Giờ là kinh tế thị trường, rất khó nói. Nhưng nghệ thuật không đơn thuần là giải trí mà còn là giáo dục. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, còn để lại hậu quả tương lai lâu dài.
"Tôi nghĩ nên chấn chỉnh nghiêm khắc và thường xuyên, chứ đừng để chuyện xảy ra rồi mới đi giải quyết. Đạo đức như cơm ăn nước uống không thể thiếu vậy", bà nói khanh my |
* Lệnh phong sát sẽ có tác động như thế nào đến những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thưa bà?
- Bạn bè tôi nói họ băn khoăn nóng ruột vì con mắt khán giả bây giờ nhìn nghệ sĩ với tất cả những gì bầy hầy, gian dối, gom nghệ sĩ như cá mè một lứa. Tâm trạng đó không biết nói thế nào cho chính xác. Với tôi, đứng ra để nói rất khó vì thế hệ chúng tôi khác. Nghề diễn với tôi là hạnh phúc, nếu không được diễn tôi đau khổ lắm.
Tôi từng là quản lý và từng là diễn viên, dùng từ phong sát tôi không thích, nghe như một tên tội phạm. Tôi nghĩ nên chấn chỉnh lại chặt chẽ hơn, đồng thời triển khai sâu rộng liên tục. Nếu họ không làm thì mình mới có biện pháp.
* Bà có đóng góp gì để lệnh phong sát với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thực sự hiệu quả và công bằng?
- Tôi nghĩ nên chấn chỉnh nghiêm khắc và thường xuyên, chứ đừng để chuyện xảy ra rồi mới đi giải quyết. Đạo đức như cơm ăn nước uống không thể thiếu vậy.
Tôi cũng thường tâm sự với các em mới vào nghề, trong chuyến đi về nguồn với Ban Tuyên giáo thành ủy tôi thấy nghệ sĩ chỗ nào cũng dễ thương. Vào Trường Sơn các em hát múa đáng yêu vô cùng. Tôi nghĩ nếu có sự thấu hiểu hơn, có thời gian chăm chút hơn thì các em sẽ không lệch lạc.
Khi tâm tình với các bạn trẻ tôi rất thương. Nhưng khi nổi tiếng, các em được người này người kia săn đón, nhiều người suy nghĩ lệch lạc thậm chí dùng điều đó để tiến thân. Thời tụi tôi khác. Giờ kiếm tiền dễ quá, kiếm danh hiệu dễ quá. Trước đây để được giới thiệu hai tiếng nghệ sĩ còn lâu lắm, chỉ giới thiệu diễn viên thôi. Phải hoạt động lâu năm có những cống hiến mới là nghệ sĩ. Giờ nghệ sĩ, ngôi sao nhiều quá...
- Cảm ơn NSƯT Lê Thiện về những chia sẻ!
Tin liên quan
Dàn sao Việt 'đổ bộ' thảm đỏ phim của NSND Kim Xuân đóng chính Dược sĩ Tiến lên tiếng khi bị nói 'chơi trội', đầu tư MV cho 16 nghệ sĩ Kim Tử Long: Tôi thiếu cái gì mà bị trượt danh sách xét duyệt NSND?