Sau 1 năm thí điểm, tham vọng ‘phủ sóng’ Viettel Money tới 90 triệu người dân Việt Nam đã đi tới đâu?

Bắt đầu thử nghiệm kể từ 1/12/2021, hệ sinh thái tài chính số Viettel Money của Tập đoàn Viettel được kỳ vọng sẽ nhanh chóng “phủ sóng” tới hàng chục triệu người dân Việt Nam, nhờ hội tụ nhiều tính năng và lợi thế riêng. Tuy nhiên, thực tế nghiệt ngã hơn nhiều so với dự kiến.

Tại sự kiện “Lễ ra mắt Dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại ngân hàng” diễn ra vào đầu tháng 10/2022, ông Lê Văn Đại - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel tiết lộ, sau hơn 9 tháng triển khai trên thị trường, hiện Viettel Money đang có hơn 22 triệu người dùng.

Trong số đó, đã có gần 1,4 triệu người dùng kích hoạt và sử dụng tài khoản Mobile Money và có tới 74% số lượng khách hàng sinh sống tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Trên thực tế, trong số 22 triệu người dùng Viettel Money được công bố, số lượng tài khoản kích hoạt và sử dụng thường xuyên mới có nhiều ý nghĩa.

Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Viettel, hiện tại, lượng người thường xuyên trong 30 ngày (A30) của dịch vụ đã lên đến gần 5 triệu người.

Nếu so với tham vọng “phủ sóng” Viettel Money tới hàng chục triệu người dân Việt Nam như kế hoạch, hệ sinh thái tài chính số của Viettel còn một quãng đường xa. Tuy nhiên, nếu so sánh A30 với ví điện tử lớn nhất trên thị trường là MoMo, con số của Viettel cũng tiến gần sát.

Nguồn tin từ Viettel cho biết, mặc dù số lượng tài khoản Viettel Money được kích hoạt và sử dụng thường xuyên không tăng mạnh như dự kiến, công ty này cũng đạt được nhiều thành tựu trong hơn 1 năm cung cấp thí điểm.

Theo đó, Viettel đã vận hành tốt hệ sinh thái dịch vụ với hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của người dùng từ nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán các hóa đơn cho đến đầu tư, bảo hiểm, giải trí, chăm sóc sức khỏe…

Thêm vào đó, Viettel xây dựng và thử nghiệm thành công mô hình hạ tầng thanh toán khác biệt - Chợ 4.0. Đây là mô hình được các địa phương ủng hộ rất lớn vì nằm trong chiến lược chung về chuyển đổi số của các tỉnh, thành.

Mô hình chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt được Viettel Money kết hợp với chính quyền các địa phương triển khai nhận được rất nhiều sự quan tâm từ truyền thông và người dân tại các tỉnh, thành. Mô hình này được nhiều người dân, hộ kinh doanh dễ dàng cho việc mua bán, không phải sử dụng đến tiền mặt, chỉ cần thao tác cơ bản bằng điện thoại là giao dịch được hoàn thiện.

Nguồn tin từ Viettel cho biết, trong năm thí điểm đầu tiên, công ty này tập trung vào việc xây dựng hạ tầng, hoàn thiện các mô hình để chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ vào năm 2023.

Viettel Money sẽ phát triển mạnh số lượng người dùng nhờ vào những thế mạnh đặc biệt của nhà mạng có hạ tầng lớn nhất Việt Nam – điều mà các ví điện tử khác không thể có được, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Dù Viettel nung nấu những kế hoạch lớn, nhưng hệ sinh thái tài chính số của tập đoàn này cũng gặp khó khăn không nhỏ trong việc thu hút người dùng mới. Nguồn tin từ tập đoàn này cũng tiết lộ: “Thị trường Việt Nam vốn bị nghiện ‘khuyến mại’ mà đó là vũ khí quan trọng và giúp thu hút người dùng nhanh nhất.

Thế nhưng, Viettel Money không thể ‘đốt tiền’ như kiểu các startup là MoMo, VNPay, Zalo Pay… được”. Đây cũng là điểm yếu khiến cho tham vọng phủ sóng tới hàng chục triệu người dân Việt Nam một cách nhanh chóng của Viettel Money gặp thách thức lớn.

Một lực cản khác là sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ của dịch vụ ngân hàng số của các nhà băng. Với hàng chục ngân hàng đổ tổng cộng hàng tỷ đôla vào phát triển ngân hàng số, với các App cực kỳ tiện lợi, việc Mobile Money của những nhà mạng như Viettel, VNPT, MobiFone trở thành sản phẩm thay thế là rất khó khăn.

Hầu hết các nhà băng phát triển mạnh về dịch vụ ngân hàng số như Techcombank, VPbank, TPBank, VIB, OCB, Vietcombank… đều có vài triệu đến gần chục triệu khách hàng đang dùng App.

Với việc hàng chục triệu người dân Việt Nam đã quen với App ngân hàng, việc sử dụng thêm Viettel Money như một dịch vụ thay thế nhưng lại không thể chứng minh được tiện ích vượt trội là bài toán khó.

Một chuyên gia về tài chính ví Mobile Money chỉ như xe đạp, còn App của các ngân hàng giống như xe máy. “Thuyết phục người ta chuyển từ xe máy sang đi xe đạp cũng không dễ”, chuyên gia này nhận định.

Chưa hết, ngoài việc phải cạnh tranh với App ngân hàng, Viettel Money còn phải cạnh tranh với Mobile Money của VNPT, MobiFone, ví điện tử MoMo, Zalo Pay, VNPay… trong việc thu hút người dùng mới. Đây là những lý do khiến cho tham vọng phủ sóng nhanh chóng hệ sinh thái tài chính số Viettel Money tới 90 triệu người dân Việt Nam càng thêm khó khăn.

Tuy nhiên, trong lịch sử, Viettel đã từng làm được nhiều chuyện thần kỳ với lĩnh vực viễn thông, cũng như trong mảng chuyển đổi số. Khả năng lật ngược thế cờ ở mảng tài chính số với Viettel Money vẫn là một bài toán mở trong năm 2023.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/sau-1-nam-thi-diem-tham-vong-phu-song-viettel-money-toi-90-trieu-nguoi-dan-viet-nam-da-di-toi-dau-a26432.html