Quy định mới về các vật phẩm bị cấm, hạn chế mang lên tàu bay

Danh mục vật phẩm nguy hiểm hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay được chia thành 3 mục.

Ngày 14/9, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành quyết định 1541/QĐ-CHK về danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang vào khu vực hạn chế, mang lên tàu bay.

Quyết định này bãi bỏ quyết định số 1531/QĐ-CHK ngày 11/7/2017 và quyết định số 959/QĐ-CHK ngày 7/5/2021 của Cục Hàng không Việt Nam.

Theo đó, danh mục vật phẩm nguy hiểm hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay được chia thành các mục: Dụng cụ y tế thiết yếu; dụng cụ trang điểm, đồ vệ sinh cá nhân và các vật dụng khác.

Cụ thể, dụng cụ y tế thiết yếu gồm các vật phẩm: Bình khí ô xy hoặc bình khí nhỏ sử dụng trong y tế; bình khí ga theo quy định tại nhóm 2.2 của Doc 9284 dùng cho chân, tay giả cơ khí; các loại thuốc y tế không có chất phóng xạ (gồm cả bình xịt); máy tạo nhịp tim đồng vị phóng xạ hoặc các thiết bị y tế khác cấy trong cơ thể; xe lăn chạy bằng pin hoặc các thiết bị hỗ trợ di chuyển tương tự khác dành cho hành khách bị hạn chế khả năng di chuyển do khuyết tật, sức khỏe, tuổi tác hoặc tai nạn; các thiết bị điện tử y tế cầm tay; nhiệt kế hoặc dụng cụ đo nhiệt độ y tế loại nhỏ chứa thủy ngân...

Đối với đồ trang điểm, vệ sinh cá nhân (đồ trang điểm, keo xịt tóc, nước hoa…) được phép mang trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay, mang theo người (chất lỏng và dung dịch xịt). Đối với mỗi loại được phép mang không quá 0,5 kg hoặc thể tích hoặc thể tích không quá 0,5 lít. Bình xịt có van xả phải được bảo vệ bằng nắp chụp hoặc biện pháp phù hợp để khí không bị rò rỉ.

Mỗi người được mang một máy uốn tóc có chứa khí hydrocacbon, bộ phận sinh nhiệt của máy phải có nắp chụp an toàn bảo vệ. Bình khí dự phòng dành cho loại máy uốn tóc loại này không được phép vận chuyển.

Đối với đồ uống có cồn được phép mang theo người, hành lý ký gửi, hành lý xách tay với điều kiện từ 24% nồng độ cồn trở xuống thì không bị hạn chế. Từ 24% đến 75% nồng độ cồn phải được đựng trong bình chứa của nhà sản xuất, còn nguyên niêm phong, nhãn mác, dung tích không quá 5 lít, mỗi hành khách mang không quá 5 lít. Không được phép mang trong người, hành lý xách tay, hành lý ký gửi đối với loại trên 70% nồng độ cồn.

Đối với bình xịt không độc hại, không dễ cháy dùng trong thể thao hoặc gia đình chỉ được phép mang trong hành lý ký gửi. Đối với mỗi loại, trọng lượng/khối lượng không quá 0,5kg hoặc 0,5 lít. Bình xịt có van xả và được bảo vệ bằng nắp chụp hoặc biện pháp phù hợp để không bị rò rỉ khí.

Đối với diêm, bật lửa: Bao diêm an toàn loại nhỏ, bật lửa nhỏ (loại dùng để hút thuốc), bật lửa hỗn hợp dạng đèn hàn, đèn khốc nắp chụp bảo vệ ngăn sự kích hoạt vô ý được phép mang trong người 1 chiếc, chỉ sử dụng cho mục đích cá nhân với điều kiện không chứa nhiên liệu lỏng chưa được thẩm thấu (trừ khí hóa lỏng).

Thiết bị sử dụng pin sinh nhiệt cao, có thể tạo lửa nếu được kích hoạt (ví dụ như đèn dùng dưới nước cường độ cao) được phép mang theo hành lý ký gửi, hành lý xách tay với điều kiện bộ phận sinh nhiệt và pin phải được tách khỏi nhau bằng cách tháo rời bộ phận sinh nhiệt, pin hoặc cầu chì; mỗi viên pin dự phòng phải được bảo vệ để chống đoản mạch bằng cách đóng gói như khi mới mua hoặc cách điện các đầu cực (ví dụ như dán băng dính các đầu cực lộ thiên hoặc để từng viên pin trong hộp nhựa hoặc túi bảo vệ).

Đối với đồ vật là ba lô cứu hộ tuyết lở có bình xi-lanh chứa khí nén thuộc nhóm 2.2, không độc, không dễ cháy được phép mang theo hành lý ký gửi, hành lý xách tay. Mỗi người chỉ được mang 1 ba lô. Ba lô có thể là loại sử dụng cơ chế kích hoạt bằng thuốc nổ nhưng không được phép chứa quá 200g chất nổ thuộc nhóm 1.4S. Ba lô phải được đóng gói để đảm bảo không tự kích hoạt ngoài ý muốn; túi khí trong ba lô phải được gắn van xả áp suất.

Hộp nổ nhỏ gắn trong thiết bị an toàn cá nhân tự làm phồng như áo phao hoặc phao cứu hộ được phép mang theo người, hành lý ký gửi, hành lý xách tay. Mỗi hành khách được mang không quá một thiết bị an toàn cá nhân. Thiết bị an toàn cá nhân phải được đóng gói để đảm bảo không tự kích hoạt ngoài ý muốn. Khí ga trong thiết bị an toàn cá nhân phải là khí CO2 hoặc khí không độc, không dễ cháy. Hộp nổ chỉ dùng cho mục đích làm phồng thiết bị các nhân. Chỉ cho phép 2 hộp nổ nhỏ trong mỗi thiết bị an toàn cá nhân và vận chuyển không quá 2 hộp nổ nhỏ dự phòng.

Hộp nổ nhỏ cho các thiết bị khác được phép mang theo người, hành lý ký gửi, hành lý xách tay với điều kiện sức chứa nước của mỗi hộp nổ nhỏ không được vượt quá 50ml. Hộp nổ nhỏ có sức chứa nước 50ml tương đương với 28g khí CO2. mỗi hành khách được mang không quá bốn hộp nổ nhỏ chứa khí CO2 hoặc khí không độc, không dễ cháy.

Thiết bị điện tử cầm tay dùng để hút thuốc chạy bằng pin, bao gồm thuốc lá điện tử, xì gà điện tử, tẩu điện tử hoặc các thiết bị tương tự được phép mang theo người, hành lý xách tay, hành lý ký gửi và chỉ được mang cho nhu cầu sử dụng cá nhân. Khuyến khích mang trong hành lý xách tay.

Pin nhiên liệu dùng cho thiết bị điện tử cầm tay như máy ảnh, điện thoại di động, máy tính xách tay, máy quay video được phép mang theo người, hành lý xách tay với điều kiện hộp pin nhiên liệu có chứa chất lỏng dễ cháy, chất ăn mòn, khí hóa lỏng dễ cháy, chất gây phản ứng khi gặp nước hoặc khí hydro trong hyddrua-metal. Không được phép nạp pin nhiên liệu trên tàu bay đang bay trừ trường hợp dùng hộp pin nhiên liệu dự phòng…

Đối với đá khô được phép mang trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay không quá 2.5 kg mỗi người. Chỉ được dùng để bảo quản thực phẩm hoặc chất dễ hư hỏng không phải là hàng nguy hiểm. Bao bì phải có lỗ thoát khí CO2. Khi vận chuyển trong hành lý ký gửi, mỗi bao bì chứa đá khô phải được đánh dấu "DRY ICE" hoặc " CARBON DIOXIDE, SOLID". Khối lượng tịnh của đá khô không quá 2.5 kg.

Các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng được phép mang theo người, hành lý xách tay, hành lý ký gửi. Được đóng gói trong bao bì của nhà sản xuất và chỉ có mục đích sử dụng cho cá nhân hoặc gia đình.

Thiết bị điện tử cầm tay chứa pin khô đáp ứng các quy định của điều khoản đặc biệt A67 được phép mang theo hành lý ký gửi, hành lý xách tay và đáp ứng điều kiện: pin phải có điện áp dưới 12 volts và có công suất dưới 100 Wh. Thiết bị phải được bảo vệ khỏi sự kích hoạt ngoài ý muốn, hoặc pin được ngắt kết nối và các đầu cuối lộ thiên được cách điện…

Khi làm thủ tục chấp nhận vận chuyển, người khai thác tàu bay chịu trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, loại trừ hàng nguy hiểm không trong danh mục này hoặc bị cấm hoặc hạn chế theo danh mục này.

Khi người khai thác tàu bay có quy định ngoài danh mục này, phải thông báo cho hành khách và lực lượng kiểm soát an ninh hàng không biết để phối hợp thực hiện.

Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không trong quá trình kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không nếu phát hiện hàng nguy hiểm phải thông báo cho đại diện của Người khai thác tàu bay quyết định việc chuyên chở theo quy định.

Tuệ Minh

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/quy-dinh-moi-ve-cac-vat-pham-bi-cam-han-che-mang-len-tau-bay-a26.html