Những thành tích và điểm còn hạn chế trong chống dịch
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những tháng vừa qua, Việt Nam gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do biến chủng mới của Covid-19, kinh tế thế giới còn nhiều bất định và tăng trưởng không vững chắc….
Trong nước, biến thể Delta gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các trung tâm kinh tế, đô thị lớn..., "buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn" để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Tuy nhiên, chính điều này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, song song với chống dịch, Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trong toàn hệ thống và trên các lĩnh vực. Với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới vì chưa có tiền lệ, Việt Nam đã có những biện pháp chống dịch độc đáo vào hiệu quả.
"Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ" và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Bên cạnh đó, một lực lượng lớn chưa từng có với khoảng hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ các lực lượng y tế, quân đội, công an… đã được huy động chống dịch trong thời gian ngắn. Ngoại giao vắc xin và các chính sách về vắc xin được đẩy mạnh và phát huy hậu quả với số lượng lớn vắc xin về Việt Nam chỉ trong vài tháng.
"Trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở. Việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho Nhân dân.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vắc-xin của Việt Nam vẫn còn chậm nếu so với một số quốc gia khác. Tuy nhiên, vấn đề này bắt nguồn từ sự khan hiếm vắc xin toàn cầu dù Việt Nam sẵn sàng chấp nhận rủi ro và các điều kiện áp đặt của nhà cung cấp.
Ngoài ra, năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu. Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ rất lớn.
Điểm sáng trong phát triển Kinh tế xã hội
Đối mặt với những khó khăn, thách thức của dịch bệnh nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra dự kiến sẽ đạt và vượt trong năm 2021. Tuy nhiên, vẫn còn 4 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 3 - 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%; GDP bình quân đầu người ước đạt 3.660 - 3.680 USD, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 3.700 USD; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 44 - 47%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm, thấp hơn so với mục tiêu 1 - 1,5 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%. Thu NSNN 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP).
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt khoảng 35% GDP. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng đạt trên 240 tỷ USD, cả năm ước tăng khoảng 10,7%. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; phấn đấu đến cuối năm có khoảng 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khá; an ninh năng lượng được bảo đảm. Tiếp tục triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có chăm lo cho đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều hoạt động được chuyển sang hình thức trực tuyến, chăm sóc sức khỏe người dân tiếp tục được quan tâm. Giáo dục cũng được thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Tập trung phục hồi kinh tế những tháng cuối năm, mục tiêu cụ thể cho 2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các cơ quan hữu quan phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế.
Chính phủ cũng đề cao tầm quan trọng của quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết.
Về vắc xin, Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vắc-xin, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở.
"Có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển KTXH", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Nhằm khôi phục, phát triển kinh tế, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.
Các giải pháp cụ thể bao gồm rà soát, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về thể chế; giảm thiểu các thủ tục và chi phí sản xuất kinh doanh. Điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường. Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng nêu mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%; CPI bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.
Năm tới, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện 3 trọng tâm gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Theo Tổ Quốc