Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với "khó khăn chất chồng", chủ yếu do đại dịch Covid-19 gây ra. Khi đợt bùng phát tồi tệ nhất của đại dịch đã được kiềm tỏa, người Việt Nam đang hướng tới một cuộc sống bình thường trở lại, một nền kinh tế rục rịch phục hồi. Đó chính xác là những gì đang diễn ra.
Tuy nhiên, để có được thành tựu ấy, không ít người Việt đã ngã xuống. Phát biểu điều hành phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dành 1 phút mặc niệm cho hơn 21.000 người Việt đã ra đi mãi mãi do dịch bệnh.
Trong số họ, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống dịch. Trong số họ, cũng có rất nhiều người dân bình thường, quên mình giúp đỡ đồng bào trong lúc khốn khó nhất nhưng không may bị dịch bệnh quật ngã.
Quốc hội dành 1 phút mặc niệm hơn 21.000 người từ trần vì Covid-19. Ảnh: Quochoi.vn
Dịch bùng lên ở những đầu tàu kinh tế, những trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước không chỉ là đòn đánh mạnh vào tăng trưởng. Nó còn kéo theo rất nhiều gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn khi mấy tháng liên tiếp không có một đồng thu nhập. Bủa vây quanh họ là dịch bệnh, kẻ thù vô hình nhưng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tang thương.
Tuy nhiên, đó không chỉ là một bức tranh toàn gam màu ảm đạm. Trong dịch bệnh, người Việt một lần nữa thể hiện phẩm chất tốt đẹp, sự đoàn kết, lá lành đùm lá rách. Những bữa cơm thiện nguyện trở thành cứu cánh cho rất nhiều gia đình khốn cùng. Những bình oxy miễn phí giúp cứu nhiều mạng sống. Những đoàn xe chở y, bác sĩ, bộ đội, công an tới tâm dịch mang theo hy vọng cho những người dân đang sống trong thấp thỏm, lo âu.
"Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà Nhân dân ta đã phải gánh chịu. Quốc hội tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt biểu dương ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, xung kích vào tâm dịch để bảo vệ "sinh mệnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của Nhân dân và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước".
Ngay từ Kỳ họp thứ 1, Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm sâu sát tới công cuộc chống dịch của đất nước. Kỳ họp đầu tiên cửa Quốc hội khóa mới đã được cắt ngắn thời gian và một số nội dung để ưu tiên cho công tác chống dịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nhiều Nghị quyết để tạo thuận lợi cho Chính phủ dốc sức chống dịch với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sinh mạng người dân, an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do một đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách để tạo điều kiện tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) và các đại biểu, Đại sứ chứng kiến Lễ bàn giao 200.000 liều vaccine AstraZeneca và số thiết bị, vật tư y tế với tổng trị giá 1.028 tỷ đồng cho đại diện Bộ Y tế sau khi chuyên cơ của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đáp xuống sân bay Nội Bài sau chuyến công du châu Âu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trình bày Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các địa phương. Trong khoảng thời gian rất ngắn, 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đã tới hỗ trợ các tâm dịch.
"Trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ. Đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Họ là những "chiến sĩ" khoác lên mình màu trắng y tế hay màu xanh của quân đội, công an, chấp nhận xa gia đình thời gian dài, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, gian khổ, thậm chí là hý sinh để "chiến đấu" vì sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trong số họ, cũng có nhiều người sau khi nhiễm và khỏi bệnh tự nguyện tham gia phòng, chống dịch. Cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam cùng kiều bào ở nước ngoài đều chung tay, góp sức cho công cuộc chống dịch của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức. Ảnh: TTXVN
Theo báo cáo, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với Nhà nước và cộng đồng. Khoản đóng góp đó trở thành nguồn lực lớn với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng và nhiều trang, thiết bị, thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế và cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
"Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, hỗ trợ, đóng góp hiệu quả, những nghĩa cử cao đẹp, tận tâm, tận lực hết mình của đồng bào, đồng chí, chiến sỹ và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ quý báu của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống dịch", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đợt bùng phát lần thứ tư xảy ra ở nhiều địa phương với sự xuất hiện của biến thể Delta. Đây là biến thể có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước đây.
Trong đợt bùng phát này, dịch xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn... buộc Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ nhằm thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Tuy nhiên, điều đó cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những tổn thất, mất mát về người, vật chất và tinh thần mà nhân dân phải gánh chịu do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo Tổ Quốc
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/loi-cam-on-tu-chu-tich-quoc-hoi-va-thu-tuong-tri-an-nhung-nguoi-hung-khong-ten-a2516.html