Apple và đối tác đặt cược vào Ấn Độ

Foxconn hiện đã có kế hoạch tăng nhân công tại Ấn Độ gấp 4 lần lên mức 70.000 người trong vòng 2 năm để tăng sản lượng iPhone 14 và iPhone 15.

iPhone 15 sẽ đồng thời được lắp ráp tại Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: CNBC.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, đối tác sản xuất của Apple là Foxconn đã phải giảm sản lượng sản xuất. Để có thể đáp ứng nhu cầu iPhone trong tương lai và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Foxconn đã phải công bố kế hoạch tăng gấp 4 lần nhân công tại Ấn Độ.

Trông cậy vào Ấn Độ

Các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ chia sẻ với Reuters, Foxconn đang có kế hoạch đẩy mạnh dây chuyền sản xuất tại quốc gia này.

Theo đó, đối tác của Apple đang có kế hoạch tăng gấp 4 lần số nhân công lao động tại các dây chuyền iPhone ở Ấn Độ trong vòng 2 năm tới. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm giảm sự phụ thuộc vào sản lượng iPhone tại Trung Quốc.

iPhone anh 1

Apple bắt đầu sản xuất iPhone tại Ấn Độ từ năm 2017 nhưng đều là các đời cũ, tới 26/9, hãng tuyên bố sẽ lắp ráp iPhone 14 tại quốc gia này. Ảnh: Phương Lâm.

Foxconn hiện đã có kế hoạch bổ sung thêm 53.000 nhân công, tăng số lao động của hãng ở Ấn Độ từ 17.000 người lên 70.000 người.

Với lịch trình 2 năm, động thái này sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu hụt iPhone 14. Tuy nhiên việc tăng nhân công lao động tại Ấn Độ lên bằng một phần ba quy mô của nhà máy chính ở Trịnh Châu (Trung Quốc) sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt hơn.

Việc mở rộng lắp ráp iPhone tại Ấn Độ sẽ được đẩy mạnh từ cuối năm nay. Ban đầu nhà máy tại quốc gia này chỉ sản xuất và lắp ráp iPhone SE. Nhưng gần đây dây chuyền đã được nâng cấp để có thể tạo ra các mẫu máy hiện đại hơn.

Foxconn Ấn Độ bắt đầu sản xuất iPhone 14 chậm hơn vài tuần so với dây chuyền tại Trung Quốc. Theo dự kiến, việc lắp ráp iPhone 15 vào năm tới ​​sẽ diễn ra đồng thời ở cả 2 quốc gia.

Hiện tại, Trung Quốc đang tuân thủ chính sách Zero Covid. Vào 11/11, quốc gia này đã có động thái dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Trong đó bao gồm giảm 2 ngày thời gian cách ly với các ca tiếp xúc gần và với du khách nhập cảnh. Trung Quốc cũng đã xóa bỏ quy định xử phạt với các hãng hàng không có hành khách dương tính với Covid-19.

Tuy nhiên, những chính sách này cũng sẽ không thể giải quyết ngay vấn đề của nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu, nơi được mệnh danh là thành phố iPhone.

Apple và các đối tác đã có những kế hoạch giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong vòng nhiều năm nhưng tiến độ chưa được như mong muốn, đặc biệt là việc chuyển đổi sản xuất iPhone.

Khủng hoảng sản xuất iPhone

Vào 7/11, Apple đã chịu lên tiếng xác nhận về tình trạng thiếu hụt iPhone 14. Hãng cũng đã nêu rõ nguyên nhân việc này là do cơ sở lắp ráp của đối tác Foxconn ở Trịnh Châu phải dừng sản xuất do Covid-19. Đây là nhà máy chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn lô hàng iPhone 14 Pro và Pro Max.

Theo 9to5Mac, tuy Apple đang mở rộng sản xuất sang các quốc gia khác nhưng hiện tại theo các số liệu ước tính cho thấy 95% tổng nguồn cung iPhone vẫn đến từ Trung Quốc. Trong đó, khoảng 80% iPhone được sản xuất tại nhà máy nằm ở Trịnh Châu.

iPhone anh 2

Apple đã buộc phải thừa nhận tình trạng thiếu hụt iPhone 14 trên trang chủ của hãng. Ảnh: Apple.

Trước đó vào 21/10, SCMP đã đưa tin việc Foxconn phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ do xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong khuôn viên nhà máy.

Nhiều công nhân đã rời bỏ nhà máy để trở về nhà do lo ngại lây nhiễm và môi trường làm việc hỗn loạn. Foxconn đã giải quyết tạm thời tình trạng này bằng những khoản thưởng cho nhân công lao động.

Tuy nhiên khi các ca nhiễm có dấu hiệu lan rộng, nhà máy đã phải thực hiện phong tỏa kéo dài. Động thái này đã ảnh hưởng lớn tới sản lượng iPhone 14.

Tình trạng này tệ đến mức Apple đã phải đưa ra thông báo xác nhận tình trạng khan hàng của iPhone 14 Pro/Pro Max. Foxconn cũng đưa ra dự báo doanh thu hàng điện tử tiêu dùng của doanh nghiệp sẽ sụt giảm, đánh mất cơ hội hoàn thành một quý kinh doanh thành công kỷ lục.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/apple-va-doi-tac-dat-cuoc-vao-an-do-a25079.html