Một số ổ dịch mới: Lo nhưng đừng sợ hãi!

Sống chung với dịch, mỗi người dân phải tự ý thức bảo vệ mình, thực hiện nghiêm 5K, không lơ là nhưng cũng đừng quá sợ hãi khi xuất hiện F0 trong cộng đồng

Những ngày qua, tại một số tỉnh, thành trong cả nước đã ghi nhận vài ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm khi nhiều địa phương đang trở lại "bình thường mới".

Tại tỉnh Phú Thọ, tuần qua ghi nhận hơn 130 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng với 23 ổ dịch được phát hiện. Đến nay, địa phương này cũng chưa xác định được nguồn lây ban đầu, dự kiến sẽ còn tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp F0 mới trong thời gian tiếp theo.

Tại TP Hà Nội, dù đạt tiêu chí cấp độ 1 (nguy cơ thấp - "bình thường mới") song nguy cơ dịch tại thủ đô được cảnh báo rất cao. Đặc biệt, hằng ngày vẫn có một số lượng lớn người về từ các tỉnh - thành có dịch, trong bối cảnh thủ đô đã mở cửa trở lại. Thực tế, những ngày vừa qua, số F0 được phát hiện tại Hà Nội là người về từ các vùng có dịch có xu hướng gia tăng.

Một số ổ dịch mới: Lo nhưng đừng sợ hãi! - Ảnh 1.

Khám sàng lọc và tiêm chủng cho người dân ở tỉnh Phú Thọ.Ảnh: Nguyễn Hiền

Về nguy cơ lây lan và bùng phát dịch trong bối cảnh "bình thường mới", PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng việc xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng là khó tránh khỏi. Vấn đề là sẵn sàng tâm thế ứng phó, không lơ là nhưng cũng đừng quá lo sợ.

Theo ông Nga, với các ổ dịch mới, cần cho phép cách ly F1 và F0 triệu chứng nhẹ tại nhà trên toàn quốc, thay vì chỉ áp dụng tại một số địa phương như hiện nay. Ông Nga cũng lưu ý vai trò của địa phương trong việc đánh giá và khống chế ổ dịch. Theo ông, việc nới lỏng các hoạt động cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó, trong lúc chưa đủ vắc-xin Covid-19 bao phủ toàn dân thì các địa phương cần ưu tiên cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Nguyên tắc này sẽ giảm tải cho hệ thống y tế nếu dịch bệnh bùng phát, bởi người già, có bệnh nền nếu mắc Covid-19 khi vào viện điều trị sẽ lâu khỏi, nguy cơ tử vong cao.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nhận định nguy cơ dịch diễn biến phức tạp vẫn rất cao và khó lường. "Hiện nay, chúng ta không thể biết ai bị bệnh hay không bị bệnh, ai đang mang mầm bệnh Covid-19 bởi có những ca mắc Covid-19 không có triệu chứng, nên nguy cơ có thể đến với bất cứ ai. Do đó, ý thức của người dân rất quan trọng; không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch thì chỉ một ca bệnh cũng có thể lây lan thành các ổ dịch lớn nếu không phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch kịp thời" - ông Phu khuyến cáo.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, hiện tình hình dịch bệnh ở các địa phương trên cả nước khác nhau, tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 khác nhau, do đó cách ứng xử với dịch bệnh không thể giống nhau. Tuy nhiên, chiến lược ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị vẫn phát huy hiệu quả với những biện pháp điều chỉnh, bổ sung khi chúng ta đang đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19, chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị.

PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo thêm: Nguy cơ nhiễm dịch vẫn hiện hữu, do vậy, hơn lúc nào hết, tinh thần trách nhiệm và sự tự giác của mỗi người dân phải được đặt lên hàng đầu, không được chủ quan, lơ là. 

Mở rộng điều tra dịch tễ 2 ổ dịch

Bộ Y tế cho biết ngày 19-10 nước ta ghi nhận 3.034 ca nhiễm mắc Covid-19 tại 49 tỉnh, thành, trong đó có 1.220 ca ngoài cộng đồng. Trong ngày, có thêm 1.866 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 794.846.

Liên quan đến các ổ dịch trong cộng đồng ở Thanh Hóa, Phú Thọ, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế 2 địa phương tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời và bảo đảm không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/mot-so-o-dich-moi-lo-nhung-dung-so-hai-a2468.html