Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các địa phương đã nhanh chóng chuyển trạng thái thích ứng bình thường mới. Dù vậy, một số địa phương vẫn áp dụng theo cách riêng.
Mỗi địa phương mỗi kiểu
Tối 13-10, Bộ Y tế hướng dẫn địa phương phân loại từng địa bàn theo bốn cấp độ: Cấp 1 (nguy cơ thấp - màu xanh); cấp 2 (nguy cơ trung bình - màu vàng); cấp 3 (nguy cơ cao - màu cam); cấp 4 (nguy cơ rất cao - màu đỏ). Bộ Y tế yêu cầu không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa và trường hợp nghi ngờ đến từ địa bàn cấp 3.
Ghi nhận qua 2 ngày thực hiện, tại Bắc Giang, người đến/về từ vùng xanh, vàng, cam không phải xuất trình kết quả hay lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Tại Sơn La, người đến/về từ vùng xanh, vàng, cam khai báo y tế, quét mã QR; vùng đỏ (kể cả người tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 hay khỏi bệnh Covid-19 trong 6 tháng) phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày và xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh/RT-PCR.
Tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ra chỉ thị thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thành phố vẫn duy trì các chốt cửa ngõ ra vào thủ đô để kiểm soát phương tiện, người ra vào. Sáng 15-10, lực lượng công an Hà Nội đã rút khỏi chốt kiểm soát dịch tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo yêu cầu của tỉnh Hưng Yên vì tỉnh này đã áp dụng Nghị quyết 128. Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết thành phố chưa có chỉ đạo gì về việc gỡ bỏ các chốt ra vào thủ đô nên lực lượng công an vẫn triển khai như cũ.
Trong khi đó, TP HCM vẫn đang thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP HCM ngoài một số hoạt động giao thông, đi lại liên tỉnh. Đề cập Nghị quyết 128, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang nghiên cứu để cụ thể hóa nghị quyết này. Thành phố đã lập một tổ công tác để rà soát, đánh giá lại cấp độ dịch của thành phố dựa trên Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Trên cơ sở đó, TP HCM có thể thay đổi một số biện pháp.
Ông Phan Văn Mãi khẳng định TP HCM sẽ không thay đổi hoặc thay thế Chỉ thị 18 thời gian tới. Tuy nhiên, phần phụ lục của Chỉ thị 18 (hoạt động nào được mở cửa, hoạt động nào ngừng hoạt động...) có thể được điều chỉnh cho phù hợp với nguyên tắc và tình hình dịch bệnh... Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố sẽ đánh giá cấp độ dịch tới xã, phường, thị trấn hoặc nhỏ hơn. Sau đó xác định các hoạt động được vận hành theo mức độ dịch. Để tránh tình trạng cục bộ giữa các xã, phường, thị trấn; quận, huyện thì việc xác định các hoạt động sẽ đặt trong bối cảnh toàn thành phố.
Tại Bình Dương, đối với hành khách tham gia giao thông đi từ vùng cam, đỏ phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tại TP Đà Nẵng, từ 0 giờ ngày 16-10, thành phố tạm thời xác định cấp độ dịch đối với 56/56 phường, xã trên toàn địa bàn ở cấp độ 2. Đối với người ra, vào thành phố, Đà Nẵng vẫn thực hiện các chốt kiểm soát tại cửa ngõ. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đối với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 đến/về tỉnh này phải thực hiện cách ly y tế tại nơi cư trú/lưu trú 14 ngày kể từ ngày về đến địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nơi cư trú/lưu trú; xét nghiệm 4 lần vào các ngày thứ 1 bằng test nhanh kháng nguyên; ngày 3, ngày 7 và ngày 14 bằng RT-PCR.
Du khách vui chơi tại trung tâm TP HCM chiều 15-10Ảnh: Tấn Thạnh
Chưa bỏ quy định xét nghiệm vì chờ địa phương
Ngày 15-10, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải thích: Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, hành khách đi máy bay, tàu xe chứng minh ở vùng xanh, vàng thì không cần xét nghiệm, nếu đỏ thì phải xét nghiệm. Thế nhưng, hiện nhiều địa phương chưa công bố cấp độ dịch nên hành khách và các đơn vị vận tải rất khó xác định khách đi từ vùng nguy cơ nào. Nếu ngành giao thông bỏ quy định xét nghiệm với hành khách khi các tỉnh chưa công bố cấp độ dịch thì khách sẽ phải xin xác nhận của xã, phường nơi cư trú về tình trạng dịch, như vậy sẽ gây khó cho khách. Do đó, Bộ GTVT tạm thời chưa thay đổi quy định hành khách đi máy bay, tàu xe cần xét nghiệm Covid-19 đến hết giai đoạn thí điểm (20-10) để chờ địa phương ban hành cấp độ dịch. Bộ GTVT cho biết sẽ kiến nghị Bộ Y tế có bản đồ số phân loại các vùng dịch và cập nhật để người dân biết mình ở vùng dịch nào và doanh nghiệp dễ theo dõi hành khách đi từ đâu.
Về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, theo đại diện Sở GTVT TP HCM, hiện sở chỉ thực hiện thí điểm mở lại các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ ngày 13 đến 20-10. Sau 3 ngày thực hiện có 10 tỉnh, thành thống nhất mở lại bến xe. Từ ngày15-10, TP HCM cho phép mở lại các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến vận tải hành khách du lịch bên cạnh 2 bến phà Cát Lái và Bình Khánh. TP Đà Nẵng cũng thí điểm các tuyến vận tải liên tỉnh gồm: Đà Nẵng - Quảng Trị, Đà Nẵng - Đắk Nông, Đà Nẵng - Kon Tum để từng bước nối lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh.
Tại Bình Dương, từ ngày 15-10, vận tải hành khách bằng taxi, xe buýt, xe vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng hoạt động trở lại nhưng mỗi đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 20% (đối với taxi, xe buýt) và 30% (đối với xe vận chuyển hành khách) số xe quản lý. Dự kiến từ ngày 20-10 taxi, xe buýt, xe vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng sẽ hoạt động liên tỉnh và mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 20% số xe quản lý.
TP Cần Thơ áp dụng cấp độ dịch trên địa bàn là cấp 2, quy định các hoạt động được tổ chức có tập trung đông người, hạn chế quy mô dưới 100 người. Vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được phép hoạt động nhưng phải giảm 50% số hành khách chuyên chở cho mỗi lượt vận chuyển. Hàng hóa được phép lưu thông, vận chuyển nội tỉnh hoặc liên tỉnh. Nhà hàng/quán ăn được phép hoạt động; địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch được đón khách lưu trú từ tỉnh, thành khác đến Cần Thơ.
Cùng ngày, tại Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng chống dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tại 6 ấp, tổ; các địa bàn còn lại áp dụng cấp độ 2.
Nhiều chuyên gia cho rằng các địa phương cần thực hiện theo Nghị quyết 128 mà Chính phủ đã ban hành. PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Nghị quyết 128 đã thể hiện quyết tâm rất rõ về thích ứng với điều kiện mới để phục hồi sản xuất, kinh tế nhưng một số địa phương vẫn đi ngược lại quyết tâm này. Quy định thêm các điều kiện như xét nghiệm hay cách ly thể hiện việc các địa phương làm trái với Chính phủ, cố tình gây cản trở khó khăn cho người lưu thông. Khi thực hiện nghị quyết 128, lực lượng chức năng không can thiệp xử lý hành chính mà hướng dẫn cho người dân để họ tự bảo vệ sức khỏe bản thân và người xung quanh.
H.Thanh
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ap-dung-nghi-quyet-128-thoang-hon-nhung-khong-duoc-lo-la-a2255.html