Tham vọng của Apple có thể khiến iPhone tệ hơn

iPhone 14 là bước tiến tiếp theo đến tương lai iPhone không cổng kết nối. Tuy nhiên, smartphone không cổng có thể là ý tưởng quá mạo hiểm.

Apple bỏ dần các cổng kết nối vật lý trên iPhone. Ảnh: Cnet.

iPhone 14 là một bước dài trên chặng đường phát triển điện thoại không cổng kết nối của Apple. Công ty muốn tạo ra những smartphone đẹp hơn, bền chỉ hơn bằng cách loại bỏ khe SIM vật lý, thay vào đó là chip eSIM bên trong.

Đây là bộ phận cơ học tiếp theo bị Apple khai tử. Trước đó, gã khổng lồ xứ Cupertino đã loại bỏ jack cắm tai nghe 3,5 mm vào năm 2016. Một năm sau, họ phát triển chiếc iPhone không có nút Home cứng.

Theo tiến trình đó, trong tương lai chúng ta có thể thấy chiếc iPhone không có cổng sạc và truyền dữ liệu, bắt đầu kỷ nguyên iPhone không kết nối cơ học.

Dự đoán này có vẻ tuyệt vời nhưng lại khó khả thi, theo Cnet. Hiện tại còn ít nhất 3 vấn đề Apple phải giải quyết trước khi loại bỏ hoàn toàn các cổng vật lý, bao gồm bất tiện khi sạc pin, truyền tải dữ liệu chậm và không hỗ trợ tai nghe có dây.

Hạn chế của sạc không dây

Vấn đề đầu tiên đối với một chiếc iPhone không có cổng là sẽ khó sạc hơn. Người dùng có thể tự trang bị đế sạc, đặt nó khắp mọi nơi, từ văn phòng, ôtô, phòng ngủ, nhà bếp... nhưng vẫn còn nhiều tình huống phải sạc như sân bay, nhà bạn bè, trường học, hội nghị. Việc mang theo bộ sạc với đế không dây còn rườm rà hơn cả bộ sạc bình thường.

Bộ sạc không dây cũng đắt hơn, thường cồng kềnh hơn và có thể phức tạp về vị trí đặt điện thoại, ngay cả với công nghệ MagSafe của Apple, tích hợp sẵn nam châm để giữ điện thoại.

Theo Stephen Shankland, phóng viên kỳ cựu của Cnet, có lần ông thức dậy vào buổi sáng hoặc lái xe hàng giờ mới phát hiện ra điện thoại không được sạc, dù đã đặt lên đế không dây trước đó.

iPhone khong cong ket noi anh 1

Sạc không dây vẫn còn nhiều hạn chế, kể cả MagSafe. Ảnh: 9to5mac.

Sạc có dây cũng nhanh hơn, tiêu tốn ít năng lượng hơn và không làm điện thoại nóng lên như sạc không dây.

Nếu Apple loại bỏ cổng Lightning cũ kĩ và sử dụng cổng USB-C trên iPhone thì người dùng sẽ có lợi hơn về việc sạc lẫn truyền tải dữ liệu. Cáp USB-C đã được dùng để sạc cho hàng loạt thiết bị, từ MacBook Pro, iPad Pro, tới các laptop, tai nghe, máy chơi game hãng khác. Do đó, khi di chuyển, người dùng chỉ cần mang theo một loại cáp sạc.

Trong tương lai, chuẩn sạc này sẽ phổ biến hơn tại các khu vực công cộng như sân bay, trên máy bay, khách sạn, ôtô, quán cà phê.

Tốc độ truyền dữ liệu

Sự tiện lợi của việc truyền dữ liệu không dây khiến nó trở thành tiêu chuẩn cho điện thoại. Đã qua rồi thời kỳ chúng ta cần cắm điện thoại vào laptop để đồng bộ hóa và sao lưu dữ liệu.

Nhưng nếu bạn là một nhà sáng tạo nội dung, như Apple giới thiệu trong sự kiện ra mắt iPhone, quay video 4K cho các dự án cá nhân bằng điện thoại, bạn sẽ đánh giá cao tính năng truyền dữ liệu có dây. Nó giúp chuyển video lên laptop nhanh hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu quay video định dạng ProRes.

iPhone khong cong ket noi anh 2

Truyền tải dữ liệu dung lượng cao như video ProRes cần chuẩn giao tiếp có dây hiện đại chẳng hạn USB-C. Ảnh: Hardware Zone.

Theo thử nghiệm của Stephen Shankland, clip ProRes dài 1 phút có dung lượng 210 MB. Con số này sẽ lên đến hàng GB nếu người dùng thực hiện một video hoàn chỉnh. Kết nối có dây cũng tốt để chuyển đồng loạt nhiều ảnh, sử dụng một công cụ như Image Capture của Apple hoặc phần mềm quản lý và chỉnh sửa ảnh Lightroom của Adobe.

Không hỗ trợ tai nghe có dây

AirPods đã góp phần đưa lĩnh vực kinh doanh tai nghe không dây hoàn toàn (TWS) bùng nổ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tai nghe có dây vẫn hữu ích trong nhiều tình huống, thậm chí với một số người, nó còn là phụ kiện thời trang cổ điển.

Tai nghe có dây cũng sở hữu một số lợi thế như không bị hết pin, kết nối liên tục, không gặp tình trạng trễ hoặc ngắt quãng do Bluetooth, khó thất lạc, rơi rớt hơn tai nghe TWS.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng là giá rẻ. Không phải ai cũng sẵn sàng dành 249 USD để mua AirPods Pro thế hệ thứ 2. Jack cắm 3,5 mm dần bị loại bỏ khỏi smartphone, nhưng nếu iPhone có cổng USB-C thì người dùng có thể sắm thêm một tai nghe có dây giá rẻ, dự phòng trường hợp để quên AirPods.

iPhone khong cong ket noi anh 3

Nhiều người chờ đợi iPhone dùng USB-C thay vì loại tất cả cổng. Ảnh: 9to5mac.

Vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về điều này, song trên thực tế còn không ít người sử dụng tai nghe có dây. Apple không thể phát hành riêng 2 loại iPhone cho 2 nhóm người dùng khác nhau như là một phương án thỏa hiệp.

Lợi thế và tiềm năng của iPhone không cổng

Tất nhiên, có một số lợi thế đáng kể với iPhone không cổng kết nối vật lý. Nó sẽ mang thiết liền lạc hơn, giảm thiểu số lượng cáp mà người dùng phải mang theo. Vỏ iPhone sẽ chắc chắn hơn, không thấm nước và bụi. Apple có thêm một chút không gian bên trong để tăng viên pin hoặc các chi tiết điện tử khác.

"Một chiếc iPhone không cổng có cấu trúc cứng cáp hơn và cho phép có nhiều chỗ hơn cho Taptic Engine, loa hoặc antenna", Anshel Sag, một nhà phân tích tại Moor Insights & Strategy cho biết.

Những tiến bộ trong công nghệ truyền dữ liệu và sạc không dây khiến iPhone không cổng trở nên khả thi hơn. Trong tương lai, có thể Wi-Fi sẽ có tốc độ cao hơn, sạc không dây hoạt động theo phương thức khác, không nhất thiết phải đặt máy lên đế sạc, công nghệ băng thông rộng giúp truyền dữ liệu tốc độ cao ở phạm vi ngắn.

Trải nghiệm iPhone 14 Pro Max ở Việt Nam Dynamic Island đánh dấu bước thay đổi về thiết kết của mặt trước iPhone sau 5 thế hệ.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tham-vong-cua-apple-co-the-khien-iphone-te-hon-a22494.html