Khởi đầu thất bại của Google Glass
Tháng 4/2013, tại sự kiện dành cho nhà phát triển IO, Google giới thiệu kính thông minh Google Glass với giá 1.500 USD. Thiết bị nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ thiết kế gọn nhẹ, nhiều tính năng độc lập không cần đến smartphone.
Dù được kỳ vọng lớn, sản phẩm nhanh chóng trở thành một trong những "bom xịt" trong thế giới công nghệ. Theo Know Your Mobile, có rất nhiều lý do khiến kính thất bại, như mức giá khó tiếp cận, pin yếu, camera chất lượng kém, ít ứng dụng hỗ trợ, hay khiến người đối diện cảm thấy người đeo "kỳ cục". Ngoài ra, một số lo ngại kính có thể trở thành công cụ nghe lén, gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư.
Google Glass thất bại, nhưng nó vẫn là sản phẩm tiêu biểu cho xu hướng công nghệ mới - xu hướng điện toán trên khuôn mặt. Theo Gizmodo, đây là sản phẩm tiềm năng hỗ trợ công nhân nhà máy trên dây chuyền lắp ráp, kiến trúc sư xây dựng mô hình 3D hay bác sĩ trong bệnh viện. Thực tế, vào tháng 6/2014, thiết bị được chính phủ Nepal thử nghiệm trong việc đối phó với kẻ săn trộm động vật và thảo dược ở công viên quốc gia Chitwan.
Google ngừng cung cấp Glass cho người dùng từ năm 2015, nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu phiên bản doanh nghiệp và trình làng Glass Enterprise Edition năm 2017, cũng như ra thế hệ hai vào năm 2019. Gizmodo đánh giá Glass Enterprise Edition "thực tế hơn nhiều", được trang bị lưới an toàn, cảm giác đeo thoải mái, hệ thống máy quét đa chức năng cùng các tính năng ứng dụng thực tế hơn.
Google không phải công ty duy nhất nhìn thấy tiềm năng của kính thông minh ở môi trường doanh nghiệp. Kính AR Hololens 2 đang được Microsoft cung cấp cho doanh nghiệp, dù ban đầu muốn hướng tới người dùng thích giải trí. Tại lẽ ra mắt năm ngoái, Microsoft phô diễn nhiều chức năng của kính trong việc mua bán nội thất, nhà ở qua môi trường ảo thay vì chơi game hoặc các trải nghiệm khác.
"Khi bạn giới hạn kính thông minh tại nơi làm việc, nó sẽ giúp loại bỏ các mối quan tâm của xã hội về nguy cơ từ chúng. Bạn sẽ không lo lắng về giá do công ty thanh toán hóa đơn, không bị dò xét khi mang kính về nhà hay ở nơi công cộng vì công ty không cho phép bạn làm điều đó. Tóm lại, khi ở doanh nghiệp, kính thông minh không liên quan gì đến cuộc sống bên ngoài", Gizmodo bình luận.
Cuộc đua 'máy tính trên khuôn mặt'
Xu hướng điện toán khuôn mặt đang được mở rộng sau khi nhiều công ty tham gia vào vũ trụ ảo metaverse. Một số hãng công nghệ bắt đầu phát triển thiết bị đeo của riêng mình dành cho người dùng cuối. Giữa tháng 5, Snap tung ra phiên bản kính Spectacles thế hệ mới cho phép người dùng quan sát thế giới qua công nghệ AR. Hồi tháng 9, Meta và Ray-Ban hợp tác công bố kính Stories tích hợp camera. Tuần này, Oppo giới thiệu kính thông minh Air Glass với khả năng hiển thị các thông báo cơ bản. Dự kiến trong năm 2022, Apple cũng trình làng thế hệ kính AR đầu tiên của hãng.
Theo New York Times, thuật ngữ mới Face Computer - mô tả thiết bị đeo thông minh trên khuôn mặt, có thể giúp đôi mắt kết nối với thế giới kỹ thuật số - đang trở nên thịnh hành.
So với cách đây 8 năm khi Google Glass ra đời, việc phát triển kính thông minh giờ đây dễ dàng hơn nhờ công nghệ thu nhỏ cảm biến, chip, cũng như viên pin nhỏ nhưng chứa được nhiều năng lượng hơn.
"Với thiết kế phù hợp, khi các thành phần linh kiện đủ nhỏ và đủ mạnh, những chiếc kính sẽ trở nên trực quan và dễ tiếp cận hơn, người dùng không thể cưỡng lại được", một chuyên gia dự đoán trên New York Times. "Có lẽ chỉ khoảng 10 năm nữa thôi, thiết bị Face Computer sẽ trở nên phổ biến, nhất là khi Apple tạo ra sản phẩm đầu tiên của họ".
Theo Techilive, thay vì chạy theo việc đa dạng tính năng như trước đây, Face Computer sẽ chỉ giải quyết hai vấn đề: xem và chụp ảnh nội dung. Với thời đại ưu tiên về video và nội dung trực quan, đây là hướng đi có thể dễ thành công hơn.
Face Computer cũng giúp giảm hai khuyết điểm lớn của smartphone: cảm ứng và màn hình. Thay vì phải sử dụng cả ngón tay và mắt, thiết bị mới cho phép người dùng nhận thông tin kỹ thuật số linh hoạt hơn so với bất kỳ phương tiện nào khác.
Đối với kính VR, các trải nghiệm trò chơi hay du lịch trực tuyến sẽ là những nội dung được yêu thích. Người dùng sẽ đắm chìm vào thế giới bên trong, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Trong khi đó, thiết bị AR kết hợp cả môi trường ảo lẫn thực tế. Sẽ rất thú vị nếu nội dung trên đường được dịch tức thì sang ngôn ngữ bản địa. Việc mua sắm cũng dễ hơn khi giá bán sản phẩm hiển thị trên kính mà không cần lại gần xem tag, hay "ướm thử" nội thất cho căn phòng của mình trước khi mua.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng tính ứng dụng thực tế vẫn là điều quan trọng nhất đối với Face Computer. "Điều duy nhất thực sự thúc đẩy người dùng áp dụng loại công nghệ này là liệu nó có giải quyết được vấn đề cho họ trong cuộc sống hàng ngày hay không. AR, VR có thể thực sự tuyệt vời, nhưng bạn vẫn có thể trải nghiệm chúng bằng smartphone", Chuck Yust, nhà thiết kế của Frog Design, đánh giá.
Ngoài ra, những vấn đề về mắt như cận thị có thể ảnh hưởng đến người dùng thời gian dài. "Chúng ta đang tự tạo ra một thế giới ảo để trải nghiệm lại những thứ có trong thế giới thật, sau đó lại gặp những vấn đề với chúng. Điều đó thật buồn cười", Madeline Ashby, một tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng, nhận xét. "Tôi nghĩ, mọi người sẽ không chỉ lo lắng về kính thông minh, mà cả công nghệ AR, VR và các loại nội dung ảo khác".
Bảo Lâm tổng hợp
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/may-tinh-tren-khuon-mat-xu-huong-cong-nghe-tiep-theo-a20330.html