Apple được cho là đang lên kế hoạch tung ra kính thực tế tăng cường AR, hoặc kính thực tế hỗn hợp (kết hợp giữa VR và AR) vào nửa sau 2022. Với các tính năng như nghe gọi, chỉ đường, chụp ảnh..., sản phẩm được kỳ vọng sẽ khiến iPhone trở nên lạc hậu.
Kính AR là xu hướng
CEO Apple Tim Cook thường xuyên nhắc đến thực tế tăng cường và coi công nghệ mới có tầm quan trọng lớn đối với tương lai của Apple và toàn bộ ngành công nghệ.
Tương tự sự ra đời của iPhone hay iPad, giới công nghệ mong đợi kính AR của Apple sẽ "định nghĩa lại" cách mà con người tiếp cận Internet cũng như các trải nghiệm khác trong metaverse - vũ trụ ảo mà nhiều ông lớn công nghệ đang tìm cách xây dựng.
Một số công ty đã phát hành kính AR, chẳng hạn HoloLens của Microsoft. Mẫu HoloLens 2 mới nhất có giá 3.500 USD, hướng đến khách hàng doanh nghiệp. Nhưng theo Alex Kipman, kỹ sư mảng thực tế hỗn hợp tại Microsoft, HoloLens thời gian tới sẽ "nhập vai hơn, giá phải chăng hơn, ngoại hình hấp dẫn hơn và tiếp cận nhiều người dùng phổ thông hơn".
Những mẫu kính AR là một phần của xu hướng rộng lớn hơn gọi chung là "điện toán không gian". Nó cũng được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất để thay thế smartphone. Khái niệm này bao gồm một loạt các thiết bị máy tính sử dụng trên khuôn mặt, cho phép mắt có thể chìm đắm trong một phần hoặc toàn bộ không gian ảo. Ngoài các mẫu đắt tiền, sẽ có những thiết bị nhỏ gọn, chỉ phục vụ một số tính năng nhất định.
Lợi thế của Apple
Nếu cho ra mắt kính AR, Apple được cho là sẽ vượt lên dẫn trước so với các đối thủ. Đầu tiên, kính dự kiến được xây dựng dựa trên chip tự phát triển của Apple, giúp công ty có thể quản lý nhiều yếu tố từ phần cứng, điện năng tiêu thụ, hiệu suất của kính cho đến việc tối ưu hóa các tính năng. Mike Boland, nhà phân tích tại ARtillery Intelligence, đánh giá việc tự sản xuất chip mang lại lợi thế lớn cho Apple trong việc khắc phục các hạn chế vật lý trên các thiết bị AR khác, như cồng kềnh, kiểu dáng không đẹp.
Hệ sinh thái của Apple cũng là yếu tố có tiềm năng lớn để kính AR dễ tiếp cận và phổ biến tới nhiều người hơn. Công ty hiện có hệ thống phần cứng mạnh mẽ và số lượng phần mềm lớn.
Theo Boland, thị trường kính VR còn tương đối nhỏ với khoảng vài chục triệu chiếc bán ra hàng năm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có tiềm năng tạo ra 150 tỷ USD mỗi năm. "Nếu công ty nào đó có thể giới thiệu kính thông minh có kiểu dáng đẹp, lại có đầy đủ chức năng của một chiếc HoloLens hoặc sản phẩm của Magic Leap, đó chính là Apple", Boland nói.
Viễn cảnh kính AR của Apple bao phủ thế giới với màn hình chỉ đường, đọc tin nhắn, trò chuyện video có thể khiến smartphone không còn hấp dẫn trong tương lai. Một số công ty nhỏ đã nhận ra tiềm năng này, nhưng rào cản là không có nguồn lực và vốn.
Vuzix, công ty sản xuất thiết bị AR thành lập năm 1997, gần đây trình làng kính thông minh mới kiểu dáng đẹp có tên Vuzix Shield. Sản phẩm được đánh giá là thời trang so với hầu hết kính AR hiện nay, nhưng vẫn khá cồng kềnh nếu so với kính mát thông thường do phải "nhồi nhét" thêm thành phần như pin, camera, màn chiếu...
Đầu năm nay, Snapchat cũng ra kính Spectacles với chức năng AR tích hợp, nhưng hiện vẫn chỉ dành cho nhà phát triển. Niantic, công ty đứng sau game Pokemon Go, cũng sắp ra kính thông minh với "AR đầy đủ". Theo CEO Niantic John Hanke, kính tạo ra ảo giác ba chiều về các vật thể xung quanh người chơi.
Cần 10 năm hoàn thiện
Hugo Swart, Phó chủ tịch mảng XR và metaverse của Qualcomm, cho rằng việc chế tạo thành công một thiết bị AR đầy đủ với tiêu chí nhẹ, dễ đeo là một thách thức kỹ thuật lớn.
"Trong 10 năm nữa, công nghệ về kính AR sẽ tiến đến 'chén thánh', vừa đủ gọn nhẹ để sử dụng hàng ngày, vừa có khả năng như tai nghe AR và VR cồng kềnh hiện nay", Swart dự đoán.
Swart là đại diện của Qualcomm tham gia giám sát việc cung cấp các vi mạch quản lý năng lượng trên một số mẫu kính như Oculus Quest 2 của Meta, kính Shield của Vuzix, HoloLens 2 của Microsoft và thiết bị sắp ra mắt của Niantic. Theo ông, giải pháp trước mắt của kính AR là tận dụng sức mạnh smartphone hiện có và kết nối chúng qua Wi-Fi 6e - chuẩn Wi-Fi mới nhất với băng thông cao, cho phép điện thoại có thể xử lý hầu hết các tác vụ công việc.
"Giải pháp kết nối smartphone sẽ giúp đầu bạn không phải đeo một thiết bị khối lượng lớn, cũng như không phải chịu một lượng nhiệt xả vào", Hanke nói.
Việc Apple tận dụng sức mạnh iPhone cho kính AR cũng được đánh giá là bước đi đúng đắn. "iPhone hiện phổ biến với hàng tỷ người dùng. Nếu hãng lựa chọn giảm tải quá trình xử lý cần thiết của kính AR sang iPhone, nó vừa giúp thiết kế kính nhỏ gọn, lại có thể giúp thiết bị này nhanh chóng phổ biến", Boland nhận xét. "Khi nhu cầu về smartphone chững lại, chiến lược bán càng nhiều phụ kiện, trong đó có kính AR sẽ giúp công ty vẫn tăng trưởng".
Tuy vậy, theo CEO Paul Travers của Vuzik, thách thức của kính AR nói chung là thói quen người dùng. "Không ít người ghét những thứ trên khuôn mặt họ. Sự phản ứng dữ dội với kính Google Glass thế hệ đầu là ví dụ. Mẫu kính mà Meta hợp tác với Ray-Ban gần đây cũng gây lo ngại", Travers nói.
Một số chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về thiết bị AR. Riêng với Apple, doanh số bán kính có thể sẽ không bằng Apple Watch hay AirPods. Tuy nhiên, AR vẫn được đánh giá là công nghệ của tương lai, là sự kế thừa tự nhiên cho PC và điện thoại thông minh 10 năm tới.
Còn hiện tại, cuộc chiến giữa Meta, Apple, Google và hàng trăm công ty khác về các sản phẩm AR mới chỉ bắt đầu.
Bảo Lâm (theo WSJ)
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/san-pham-ke-vi-iphone-cua-apple-a20130.html