Ấn Độ là một trong những thị trường lớn của các hãng smartphone Trung Quốc suốt nhiều năm. Tuy nhiên trong 2 tháng qua, chính quyền nước này đã tăng cường giám sát các hãng smartphone lớn của Trung Quốc gồm Xiaomi, Vivo và Oppo.
Theo số liệu của Counterpoint Research, 3 thương hiệu trên chiếm 60% thị trường smartphone Ấn Độ. Tuy nhiên, những động thái gắt gao của nhà chức trách nước này trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung - Ấn đặt ra nhiều thách thức mới.
Hàng loạt công ty gặp khó
Xiaomi, thương hiệu smartphone lớn nhất Ấn Độ là công ty đầu tiên đối mặt áp lực. Đầu tháng 5, cơ quan điều tra tội phạm tài chính của đất nước tỷ dân đã phong tỏa 725 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng trong nước của Xiaomi, cáo buộc chi nhánh của công ty này có hành vi chuyển tiền bất hợp pháp, vi phạm luật ngoại hối.
Các hãng smartphone Trung Quốc đồng loạt gặp khó khăn tại Ấn Độ. Ảnh: FT. |
Thời điểm đó, Xiaomi Ấn Độ khẳng định tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp địa phương. Công ty này tuyên bố sẵn sàng làm việc với cơ quan chức năng tại nước này để làm rõ sự việc.
Một thương hiệu smartphone Trung Quốc khác là Vivo cũng nằm trong diện kiểm soát của Tổng cục Thực thi Pháp luật Ấn Độ. Đầu tháng 7, cơ quan này cáo buộc Vivo rửa tiền, trốn thuế sau khi khám xét 48 chi nhánh trong nước, thu giữ 60 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng.
Trả lời CNN, phát ngôn viên của Vivo cho biết công ty đang hợp tác với nhà chức trách để cung cấp thông tin cần thiết, từ chối bình luận thêm. Vào tháng 2, cơ quan thuế Ấn Độ cũng kiểm tra các văn phòng của Huawei.
Đến giữa tháng 7, Oppo trở thành hãng smartphone tiếp theo bị giới chức Ấn Độ kiểm soát, khi Cục Quản lý Doanh thu Ấn Độ cáo buộc công ty trốn thuế khoảng 500 triệu USD. Không chỉ smartphone Oppo, các thương hiệu con như Realme và OnePlus cũng được nhiều người dùng nước này ưa chuộng.
Ngày 21/7, CEO Zhao Ming của Honor tuyên bố rút đội ngũ vận hành tại Ấn Độ do những động thái kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Đây từng là thương hiệu thuộc Huawei, tách ra hoạt động độc lập sau lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Honor vừa tuyên bố rút đội ngũ vận hành khỏi thị trường Ấn Độ. Ảnh: Android Authority. |
Honor thành lập chi nhánh tại Ấn Độ cách đây vài năm. Theo ông Ming, Honor vẫn hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ nhưng sẽ do đối tác địa phương quản lý theo cách tiếp cận chặt chẽ.
Trung Quốc tuyên bố những hành động của chính phủ Ấn Độ làm tổn hại danh tiếng của nước này với các nhà đầu tư ngoại quốc. Đầu tháng 7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ cho biết việc kiểm soát các hãng smartphone gây gián đoạn "các hoạt động kinh doanh bình thường", làm giảm "niềm tin và sự sẵn sàng của các thực thể thị trường đến từ nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và hoạt động tại Ấn Độ".
"Ấn Độ tìm kiếm sự minh bạch"
Trong 2 năm qua, các công ty công nghệ Trung Quốc luôn gặp khó khi hoạt động tại Ấn Độ khi căng thẳng biên giới giữa 2 nước leo thang.
Năm 2020, Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng hoạt động tại nước này, trong đó có TikTok và nhiều app đến từ Trung Quốc. Sau 2 năm, đến lượt các hãng smartphone phổ biến của Trung Quốc rơi vào tầm ngắm của đất nước Nam Á.
Tarun Pathak, Giám đốc Nghiên cứu của Counterpoint nhận định chính phủ Ấn Độ đang thắt chặt kiểm soát các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tình hình tài chính bởi họ đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ.
Ấn Độ là thị trường khó bỏ qua với các hãng smartphone Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
"Ấn Độ đang tìm sự minh bạch về cách các công ty Trung Quốc kinh doanh tại đây. Bảng cân đối kế toán của họ đang được xem xét", Pathak cho biết. Pathak nhận định dưới góc nhìn của chính phủ Ấn Độ, các hãng smartphone "cần Ấn Độ hơn là Ấn Độ cần họ".
Samsung, Apple không dễ hưởng lợi
Dù động thái kiểm soát khiến các công ty Trung Quốc tại Ấn Độ gặp khó khăn, các chuyên gia nhận định New Delhi sẽ không cấm hoàn toàn smartphone Trung Quốc.
"Những công ty Trung Quốc vẫn ở đây để hoạt động lâu dài", Pathak cho biết. Hiện tại, Xiaomi là hãng smartphone lớn nhất Ấn Độ với doanh số 7 triệu máy trong quý II. Cuối tháng 7, công ty này cho biết đã bán được tổng cộng 200 triệu smartphone tại đất nước tỷ dân từ 2014 đến nay.
Các thương hiệu như Vivo, Oppo và Realme đều nằm trong top 5, Samsung là cái tên duy nhất không đến từ Trung Quốc. Với vị trí thứ 2, Samsung được xem là thương hiệu hưởng lợi nếu các công ty Trung Quốc gặp khó. Tuy nhiên theo chuyên gia, thị phần của công ty Hàn Quốc sẽ "không thể tăng từ 20% lên 60% một sớm một chiều".
Ngay cả Apple với nhiều kế hoạch lớn dành cho Ấn Độ cũng không thể chiếm thị phần cao bởi giá bán quá đắt so với hầu hết người dân nước này.
Kiranjeet Kaur, Phó giám đốc nghiên cứu tại IDC cũng nhận định các động thái kiểm soát này sẽ không ảnh hưởng đến người dùng Ấn Độ. Bất chấp những cáo buộc bất lợi, Kaur cho rằng doanh số smartphone Trung Quốc ở nước này sẽ không suy giảm, đơn giản bởi yếu tố bán hàng quan trọng nhất là giá bán đã được đáp ứng tốt.
Apple chưa thể đánh chiếm thị phần ở Ấn Độ khi giá bán smartphone quá đắt. Ảnh: Hindustan Times. |
Ngay cả khi nhiều công ty smartphone Ấn Độ xuất hiện, Kaur cho biết chúng sẽ khó cạnh tranh với thiết bị đến từ Trung Quốc. "Nếu so sánh tính năng, smartphone Trung Quốc mang đến nhiều lợi ích nhưng giá chỉ đắt hơn đôi chút", Kaur chia sẻ.
Theo chuyên gia Pathak, ngay cả Trung Quốc cũng không thể từ bỏ thị trường Ấn Độ với 1,3 tỷ dân. "Ấn Độ cực kỳ quan trọng với những thương hiệu lớn dù đến từ Mỹ hay Trung Quốc. Đây còn là thị trường mới nổi lớn nhất thế giới do gần một nửa dân số chưa sử dụng smartphone", Pathak chia sẻ.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/the-kho-cua-oppo-xiaomi-tai-thi-truong-ty-dan-a19699.html