Khi tung News360 ra thị trường, Roman Karachinsky - giám đốc công ty cung cấp ứng dụng đọc tin tức này - mô tả phương thức tiếp nhận thông tin thời sự kiểu mới: Không mở máy tính bàn, laptop hay máy tính bảng (tablet), cũng chẳng cần thò tay bật điện thoại thông minh (smartphone), Karachinsky chỉ cần liếc qua chiếc đồng hồ đeo tay (smart watch). Hôm nay giá dầu thế nào, chứng khoán xanh hay đỏ, ai thắng trận chung kết Grand Slam, số ca Covid-19 ở Mỹ bao nhiêu…, các tiêu đề lần lượt hiển thị màn hình, muốn đọc hết tin thì chạm vào (touch).
Nếu đang lái xe thì sao? Đơn giản, chủ nhân News360 đã có kính thông minh Google Glass. Tin vắn "chạy" cả trên đấy, ngay trong tầm mắt…
ĐỌC VÀ LÀM BÁO BẰNG… CHIẾC NHẪN (?!)
"Thật kinh hoàng!". Phải thốt lên như thế về sự phát triển nhanh và mạnh hơn cả vũ bão của thiết bị công nghệ phục vụ nền công nghiệp tin tức. Thiết bị đeo (wearable) sẽ thay thế thiết bị cầm tay đang thống trị thị trường bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, loại hình như: chìa khóa xe, vòng đeo tay, nhẫn… (bên cạnh đồng hồ và kính đã có). Có ai từng nghĩ đến một ngày người ta đọc báo thông qua chiếc nhẫn tí hon? Tựa như năm nào người ta từng hồ nghi về sự phổ dụng của chiếc điện thoại cầm tay trong việc xem tin tức! Ai không tin thì mặc, chiếc smartphone đã chứng minh ngược lại. Thậm chí, ngoài vai trò là phương tiện truyền tin, nó còn tích hợp vô vàn chức năng hữu dụng khác. Chiếc vòng đeo tay cũng sẽ như vậy, đâu chỉ để thông tin thế giới quanh ta đang xảy ra những gì, nó còn đo lường các chỉ số sức khỏe, thể chất lẫn tinh thần, đồng thời đưa ra khuyến nghị bổ ích cho chủ nhân.
Đừng tưởng đó là chuyện xa vời bên trời Tây. Số lượng thiết bị đeo ở Việt Nam được tiêu thụ mỗi năm tính đến hiện tại đã lên con số hàng triệu, phổ biến nhất là đồng hồ thông minh. Và, một ngày không xa, thay vì chỉ phân phối tin tức, những đồng hồ, kính, chìa khóa, nhẫn… sẽ tích hợp cả chức năng sản xuất tin tức. Viễn cảnh ấy hoàn toàn khả thi, nếu ai chưa tin thì hãy nhìn lại: Đã nhiều năm nay rồi, chiếc điện thoại iPhone không chỉ hỗ trợ lướt mạng, xem tin tức mà còn được dùng để biên tập - xuất bản video thời sự, phim hoặc Podcast, với sự bổ trợ của hàng loạt ứng dụng từ kho của Apple.
MỘT TÒA SOẠN TOÀN… ROBOT!
Trên đây mới nói về phương tiện. Về tổ chức sản xuất nội dung, cũng sẽ khác biệt, nhất là khi trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng ngày càng sâu rộng vào ngành công nghiệp tin tức.
Chúng ta thử hình dung về một tòa soạn báo lớn ở Ấn Độ, ngay sau khi đại dịch Covid-19 được chế ngự ở nước này:
Một sáng nọ, chủ bút tờ nhật báo hàng đầu ở New Delhi bước vào phòng họp. Vắng tanh! "Đâu cả rồi?", ông tự hỏi và sực nhớ suốt mấy tháng qua, cả tờ báo làm việc từ nhà (WFH), họp thì qua Zoom Meeting còn biên tập - chế bản - xuất bản thì qua các phần mềm, ứng dụng. Vậy mà báo vẫn phát hành đều đặn mỗi ngày, chẳng chút trở ngại nào. Thế thì tụ lại cho đông để làm cái gì nhỉ? Out of the walls (Đừng nhốt mình trong phòng) - trước kia là lời khuyên dành cho phóng viên, thúc giục họ đi hiện trường nhiều hơn để có tin nóng; còn nay, Covid-19 "giúp" các tòa soạn báo thấy rằng slogan ấy còn có thể vận dụng cho cả bộ máy tòa soạn lẫn kinh doanh. Thế là một ý tưởng lóe lên trong đầu vị chủ bút: Non-touch newsroom (tạm hiểu: Tòa soạn không chạm mặt), là mô hình tòa soạn khả thi, cần sớm được xây dựng (!). Mô hình này (cũng giống như "văn phòng ảo") hoàn toàn có thể đưa vào vận hành trong thời bình thường lẫn thời giãn cách xã hội do dịch bệnh, thậm chí khi có chiến tranh. Nó tiết kiệm, cơ động, tiện lợi và hiện đại, nói tóm lại là hiệu quả.
Các mô hình tòa soạn báo chí trên thế giới thường xuyên được cải tiến theo nhu cầu thực tếẢnh: ijnet.org
Thực tế thì, trên thế giới trong đó có Việt Nam, đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số có phần nhờ Covid-19. Tác nhân này vừa là hoàn cảnh khách quan bất khả kháng, vừa là động lực để chuyển đổi. Quan sát hành vi đặt hàng, mua bán hàng trong thời gian đại dịch bùng phát của người dân và các sàn thương mại điện tử, các app… sẽ thấy rõ điều đó. Nghề báo cũng thế thôi, không số hóa các hoạt động báo chí thì sẽ bị "dạt ra rìa" ngay lập tức!
Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động sâu sắc đến tương lai báo chí - truyền thông, nói đúng hơn là sẽ dẫn dắt báo chí - truyền thông. Robot đã được đưa vào thay thế phóng viên gõ phím, người dẫn chương trình ảo đã lên sóng truyền hình, giọng đọc tự động cũng đã thay thế phát thanh viên… Bây giờ thì chưa hoàn mỹ, song vài năm nữa thôi, AI sẽ thay thế người làm báo trong nhiều công đoạn. Một "Tòa soạn không chạm mặt" với đội ngũ nhân sự toàn là… robot - chuyện nghe có vẻ nực cười và khó tin - nhưng là hình mẫu trong tương lai gần.
Tại sao không? Thử ngẫm về metaverse, từ năm 1992 được Neal Stephensen tưởng tượng ra trong tiểu thuyết Snow Crash của ông. Khi ấy chẳng ai tin về thế giới ảo đó, nơi con người tương tác với nhau qua hình đại diện kỹ thuật số, bởi vì thuật ngữ Stephensen đặt ra thuộc về khoa học viễn tưởng. Thế mà 30 năm sau, khi công nghệ đã "chán chường" với internet rồi, thì metaverse được để tâm. CEO Mark Zuckerberg mới đây quyết định đổi tên Facebook thành Meta cũng chính vì "nhận thức lại" metaverse, tiếp đó đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ ảo.
Công nghệ không chỉ định hướng cho người làm báo trong việc thiết lập mô hình tòa soạn và quy trình sản xuất tin tức phù hợp, mà còn buộc các tòa soạn phải ứng dụng AI mạnh mẽ để đoán biết thị hiếu, thói quen, nhu cầu của độc giả/khán - thính giả (gọi chung là "audience"), như cái cách mà những big tech Google, Facebook đang làm thông qua các thuật toán. Đầu tư cho AI chắc chắn rất tốn kém, song nếu không hành động thì sẽ phụ thuộc ngày càng sâu vào các big tech và mất phương hướng giữa đấu trường khốc liệt đó. Người làm báo sẽ không biết độc giả muốn những gì để mà "bán cái người ta cần", cho nên cứ tiếp tục nhắm mắt "bán cái chúng ta có". Mà nói "bán" cho oai, chứ thực ra đâu dễ có người mua, như tại Việt Nam mà ta đã thấy: tin tức được cung cấp hầu hết là miễn phí!
AUDIENCE-FIRST
Digital-first, đương nhiên rồi, có tin tức thì phải ưu tiên đăng/ phát trước trên các phương tiện/nền tảng số. Multimedia (đa phương tiện) hay multiplatform (đa nền tảng) là những cách thức tổ chức báo chí dù hiện đại song không bất biến, mà luôn thay đổi theo thời gian và nhu cầu xã hội.
Riêng với con-người-làm-báo, dù ở bất cứ nơi nào, một trật tự khó có thể thay đổi, đó là audience-first (bạn đọc là ưu tiên một), audience-centered (lấy bạn đọc làm trung tâm) hay audience-oriented (luôn hướng về người đọc). Nói chung, hướng về con người là duy trì tính nhân bản của báo chí. Cái gì cũng sẽ mất đi, riêng giá trị nhân văn là trường tồn.
Audience thời 4.0 đã rất khác, họ đâu cần tới báo chí nữa - nếu như các ký giả chỉ thuần đưa tin! Bởi vì sao, độc giả ngồi nhà mà vẫn biết đủ thứ rồi nhờ mạng xã hội và những kênh tương tự - đưa trước các bản tin thời sự chính thống. Họ cần phân tích đa chiều, họ cần góc nhìn riêng.
Thế thì mô hình viết tin truyền thống 5W (Who: ai, What: chuyện gì, Where: ở đâu, When: khi nào, Why: tại sao) hay 5W + 1H (How: như thế nào) có còn kinh điển nữa chăng? Các trường đào tạo báo chí, các nhà sư phạm và cả những phóng viên tương lai tạm thôi "lý tưởng hóa" 5W đi, mà chỉ nên dùng nó làm nền để phát triển bài báo của mình sâu hơn, hấp dẫn hơn.
Trong cuốn "Hơn cả tin tức - Tương lai báo chí" (Nhà Xuất bản Trẻ, 2020), tác giả Mitchell Stephens đề cập báo chí tương lai là "báo chí trí tuệ" (wisdom journalism) và thay thế mô hình 5W bằng 5I, gồm: Informed (am hiểu), Intelligent (thông minh), Interesting (thú vị), Insightful (sâu sắc), Interpretation (sáng tỏ). Rất dễ đồng tình với nhận định này và thiết nghĩ chẳng cần phải diễn giải nhiều về từng "I" của Stephens, bất cứ ai trong nghề cũng đã hiểu được ý nghĩa, giá trị của từng yếu tố; vấn đề còn lại là làm thế nào để đạt được 5I.
Đấy cũng là điều những người làm báo chúng ta trăn trở, thao thức, kỳ vọng để tham gia và đóng góp cho sự phát triển của báo chí trí tuệ và nhân văn.
TÒA SOẠN XUYÊN TÂM
INNOVATION, công ty tư vấn truyền thông hàng đầu ở Anh quốc, trong 20 năm qua liên tục đề ra các mô hình tòa soạn, được rất nhiều tờ báo trên thế giới ứng dụng hiệu quả.
Trong 47 năm, Báo Người Lao Động qua nhiều thời kỳ đã vận hành một số mô hình: mỗi ấn bản một tòa soạn, một tòa soạn nhiều ấn phẩm, tòa soạn đa phương tiện... Với tình hình mới hiện nay, chúng tôi tâm đắc với mô hình "Tòa soạn xuyên tâm" (Radial System).
Theo đó, toàn bộ các đầu việc hay dòng thời sự đều phải "chảy" từ bộ chỉ huy đến các cơ sở, hoặc từ các cơ sở về bộ chỉ huy, để từ đó đưa ra quyết định cũng như phân công công việc. Cũng theo các trục xuyên tâm ấy, nguồn thông tin/ tư liệu đầu vào (input) được phân bổ xử lý cho nhiều đầu ra (output); đồng thời có sự phân tuyến trên từng trục, mỗi tuyến đều có đầu mối chịu trách nhiệm thẩm định/ biên tập/ xuất bản. Các mô-đun đều xoay quanh "tâm", là Ban Biên tập.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/bao-chi-tri-tue-a19611.html