Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo phương án giảm thuế xăng dầu

Theo đó, Bộ Tài chính tính toán, sớm trình phương án để hạ nhiệt giá xăng dầu, Bộ Công Thương phải xử lý nghiêm đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022.

Tại nghị quyết này Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền về phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế đối với xăng dầu theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất...). Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ nâng giá.

Ngoài ra, điều hành xăng đầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu có giá ưu đãi hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu để bảo đảm sản xuất, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước, bình ổn giá cả; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội.

Đồng thời, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hỗ trợ hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để mở rộng, tìm kiếm thị trường mới; tăng cường quản lý nhập khẩu, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng không chì về 10% thay vì mức đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN này từ 20% về 12% như trước đó.

Mặc dù giá xăng dầu trong nước đã có mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, hơn 3.000 đồng/lít, so với đầu năm, giá xăng, dầu vẫn đang đắt hơn khoảng 4.621-8.360 đồng/lít, tùy loại.

Bộ Tài chính lý giải, vì xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, việc giá xăng dầu tăng cao và thiếu hụt nguồn cung xăng dầu sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu của người dân.

"Gián đoạn nguồn cung xăng dầu còn có thể gây đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội", Bộ Tài chính nêu.

Trong cơ cấu giá bán lẻ hiện nay, xăng, dầu đang phải chịu 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng. Thuế bảo vệ môi trường sau 2 lần giảm từ 1/4 và 11/7 đã về mức sàn trong khung thuế suất, tổng cộng mức giảm thuế này là 3.000 đồng với xăng và 1.500-1.700 đồng với dầu.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/chinh-phu-yeu-cau-bo-tai-chinh-khan-truong-bao-cao-phuong-an-giam-thue-xang-dau-a19141.html