Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40/2022/TT-BTC quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Thông tư 40/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/8 và thay thế Thông tư 138/2013/TT-BTC .
8 lĩnh vực giám định tư pháp trong hoạt động tài chính
Trong đó quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm: Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; Giám định tư pháp về giá; Giám định tư pháp về chứng khoán; Giám định tư pháp về thuế; Giám định tư pháp về hải quan; Giám định tư pháp về tải sản công; Giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp; Giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.
So với Thông tư 138/2013/TT-BTC hiện hành Thông tư 40/2022/TT-BTC đã bổ sung 2 lĩnh vực giám định tư pháp là giám định tư pháp về tải sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.
Việc lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải phù hợp với đối tượng, nội dung trưng cầu giám định, đáp ứng các quy định tại Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến giám định tư pháp.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp, lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Giám định tư pháp được xem xét lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.
Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính triển khai thực hiện giám định như sau: Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung được trưng cầu giám định; thực hiện giám định; báo cáo kết quả hoặc đưa ra kết luận giám định theo hướng dẫn; việc lập đề cương giám định tư pháp được thực hiện trong trường hợp cử từ hai giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trở lên.
Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc khi thực hiện giám định tư pháp có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện, năng lực phù hợp theo quy định nhằm phục vụ cho việc giám định.
Thời hạn giám định tư pháp lĩnh vực tài chính tối đa 3 tháng
Theo đó, Thông tư quy định thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính tối đa không quá 3 tháng. Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa.
Trường hợp vụ việc giám định có từ 2 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực tài chính trở lên hoặc có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc phụ thuộc vào kết quả giám định của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì thời hạn giám định tối đa không quá 4 tháng.
Bên cạnh đó, Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất như sau: có trụ sở riêng thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tối thiểu là 3 năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp; có phòng làm việc cho giám định viên tư pháp và nhân viên, có tủ hoặc kho hoặc khu vực riêng lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp.
Ngoài việc đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 19 Luật Giám định tư pháp, các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện chuyên môn tài chính để thực hiện giám định tư pháp theo quy định.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/bo-sung-2-linh-vuc-giam-dinh-tu-phap-trong-hoat-dong-tai-chinh-a19030.html