Nhiều phương tiện được miễn, giảm thủ tục đăng kiểm từ ngày 15/8

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 12/2022/TT-BGTVT quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GTVT.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022 và thay thế Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu có ngày cập cảng, về đến cửa khẩu hoặc ngày mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan; sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp có ngày xuất xưởng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Nguyên tắc quản lý danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn

Danh mục sản phẩm, hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng nguyên tắc sau: Đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi thông quan; đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đưa ra thị trường.

Danh mục sản phẩm, hàng hóa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng nguyên tắc sau: Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này; sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu quy định tại mục E Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này phục vụ thay thế, bảo hành có số lượng dưới 100 sản phẩm, hàng hóa cùng kiểu loại trong một lô hàng thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu được công bố hợp quy trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp hoặc được chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu; thời điểm chứng nhận hoặc công bố hợp quy tại điểm a, điểm b khoản này được thực hiện sau khi sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu được thông quan và trước khi đưa ra thị trường; sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đưa ra thị trường.

Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Về Nguyên tắc áp dụng, Thông tư 12/2022/TT-BGTVT quy định sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này phải được đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trường hợp sản phẩm, hàng hóa chỉ thể hiện mã hàng hóa (HS) 4 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc nhóm mã 4 số được áp dụng nếu phù hợp với tên gọi nêu trong Giấy chứng nhận chất lượng.

Trường hợp sản phẩm, hàng hóa chỉ thể hiện mã HS 6 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc nhóm mã 6 số được áp dụng nếu phù hợp với tên gọi nêu trong Giấy chứng nhận chất lượng.

Trường hợp mã HS quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này khác với mã HS trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành thì áp dụng theo mã HS do Bộ Tài chính ban hành.

Cắt bỏ thủ tục kiểm tra sau thông quan đối với 34 sản phẩm, hàng hoá

Danh mục sản phẩm, hàng hóa được chia thành 2 nhóm: nhóm phải được chứng nhận chất lượng kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi thông quan (hàng nhập khẩu), trước khi đưa ra thị trường (sản xuất trong nước); nhóm phải chứng nhận hoặc công bố hợp quy.

So với quy định hiện hành, Thông tư 12/2022/TT-BGTVT đã chuyển 14 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ trước thông quan sang sau thông quan, nhằm giảm thời gian, chi phí của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục.

Trong các sản phẩm này có thể kể đến như xe chuyên dùng (xe ủi, xe xúc, xe cần cẩu bánh xích, xe phun bê tông, xe thi công mặt đường…) và phương tiện lĩnh vực đường sắt (đầu máy chạy điện từ nguồn điện cấp từ bên ngoài hoặc ắc quy, toa xe đường sắt đô thị).

Cùng với đó, thông tư cũng cắt bỏ thủ tục kiểm tra sau thông quan đối với 34 sản phẩm, hàng hóa; bằng việc chuyển sang danh mục phải chứng nhận hoặc công bố hợp quy.

Trong đó, bao gồm: bốn loại xe máy chuyên dùng (xe cạp, xe đóng và nhổ cọc, xe chà sàn và xe quét nhà xưởng) và 30 thiết bị, sản phẩm công nghiệp sử dụng trong lĩnh vực GTVT và công trình dầu khí biển (kính cho tàu thủy và thiết bị thăm dò dầu khí, tổ hợp máy phát điện dưới 50kVA, sơn chống mòn, thiết bị nhìn ban đêm, thiết bị thở…).

Tuệ Minh

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nhieu-phuong-tien-duoc-mien-giam-thu-tuc-dang-kiem-tu-ngay-158-a18795.html