Smartphone Xiaomi sản xuất tại Việt Nam được xuất xưởng

Sau Apple và Google, Xiaomi là hãng công nghệ tiếp theo dịch chuyển dây chuyền sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam để giảm chi phí.

Theo SCMP, Xiaomi thông báo vừa nhận được lô smartphone đầu tiên được sản xuất ở nhà máy của đối tác, đặt tại Thái Nguyên, vào tháng 6.

Hãng công nghệ đã mở rộng dây chuyền sản xuất của mình sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam giữa bối cảnh thiếu hụt chuỗi cung ứng do những đợt phong tỏa tại Trung Quốc từ đầu năm nay.

Xu hướng đặt nhà máy tại Việt Nam

Suốt một năm qua, Xiaomi đã làm việc với tập đoàn DBG tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng cho thiết bị của mình. Theo Giám đốc Yan Hao, công ty sản xuất thiết bị theo hợp đồng đã có ý định mở rộng quy mô sang các nước Đông Nam Á từ lâu. Đây cũng là một phần trong kế hoạch hợp tác của họ với Xiaomi.

Trung Quoc lam smartphone o Viet Nam anh 1

Mạng lưới chuỗi cung ứng của các hãng smartphone đang dần chuyển dịch sang các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Ảnh: EPA-EFE.

SCMP cho biết tháng trước, DBG đã giao lô hàng smartphone sản xuất tại Việt Nam cho Xiaomi. Các sản phẩm này đã được lên kệ tại thị trường nội địa cũng như các thị trường trong khu vực như Malaysia và Thái Lan. Điều này đã giúp hãng công nghệ giải quyết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19.

“Phí vận chuyển thiết bị từ Trung Quốc đến Đông Nam Á đã tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh và chi phí hậu cần tăng. Vì vậy, việc chuyển dần khâu sản xuất sang Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu phí tổn này”, Xiaomi khẳng định.

Theo SCMP, đây là động thái mới nhất cho thấy các nhà sản xuất smartphone đang dần chuyển dây chuyền sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á với hy vọng sẽ giảm được phần nào chi phí và đạt được doanh thu ổn định tại các thị trường này.

Đồng tình với quan điểm này, nhà phân tích công nghệ Ma Jihua cho biết vì Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và có nhân công rẻ nên sự chuyển đổi này cũng giúp nhà sản xuất smartphone Trung Quốc tiết kiệm chi phí sản xuất và vận chuyển.

Theo chuyên gia, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Đồng thời, sự hợp tác chặt chẽ trong mảng công nghiệp giữa Trung Quốc và ASEAN cũng sẽ trở thành xu hướng dài hạn cho các ngành công nghiệp khác như smartphone.

Ngoài Xiaomi, các hãng sản xuất thiết bị điện tử khác cũng đang trong quá trình chuyển dịch dây chuyền của mình, bao gồm tập đoàn sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc TCL, công ty cung ứng màn hình BOE.

Trina Solar, công ty hàng đầu thế giới về công nghệ sản xuất năng lượng mặt trời, cũng thành lập một dây chuyền sản xuất tại Việt Nam hồi 2017.

Tháng trước, theo Nikkei Asia, Apple thông báo với đối tác chuẩn bị dời một phần dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam, nguyên nhân đến từ chính sách phong tỏa tại Thượng Hải khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong nhiều tháng.

Điều này đã biến iPad trở thành dòng thiết bị quan trọng thứ 2 của Apple được gia công tại Việt Nam, sau AirPods từ năm 2020.

Nhà máy Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào Trung Quốc

Theo thông tin từ DBG, nhà máy sản xuất smartphone của Xiaomi được đầu tư lên đến 80 triệu USD, nằm tại tỉnh Thái Nguyên và rộng khoảng 200.000 m2. Nhà máy này bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2021 và có khả năng sản xuất hơn 2 triệu thiết bị/tháng.

Trung Quoc lam smartphone o Viet Nam anh 2

Hiện vẫn chưa có quốc gia nào thay thế được hệ thống cung ứng của Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE.

Tuy dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang nhà máy ở các quốc gia khác trong khu vực, hãng công nghệ khẳng định số lượng linh kiện sản xuất ở Trung Quốc vẫn tăng đều vào mỗi năm.

“Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quốc gia nào thay thế được hệ thống cung ứng của Trung Quốc. Đây là tình trạng chung của thị trường hiện nay”, đại diện Xiaomi chia sẻ.

Nhà phân tích Ma Jihua cũng cho rằng Việt Nam vẫn chưa đủ sức để đảm đương toàn bộ dây chuyền sản xuất của Trung Quốc do một vài linh kiện quan trọng vẫn phải phụ thuộc vào nhà máy tại quốc gia tỷ dân.

Ngoài smartphone, Xiaomi còn sản xuất các thiết bị điện tử và đồ gia dụng khác như đồng hồ thông minh, đèn, quạt… Doanh số của các sản phẩm này chịu tác động mạnh mẽ của lệnh phong tỏa do Covid-19 và tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng trong năm nay.

Lợi nhuận trong quý I/2022 của công ty đã sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu smartphone trên toàn cầu giảm 10%.

Nhưng ở thị trường Việt Nam, tình hình kinh doanh lại có nhiều dấu hiệu tích cực. Báo cáo hồi tháng 5 của Counterpoint Research chỉ ra Xiaomi đã trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ 2 tại Việt Nam khi chiếm đến 20,6% thị phần, chỉ xếp sau Samsung với 31% thị phần.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/smartphone-xiaomi-san-xuat-tai-viet-nam-duoc-xuat-xuong-a18664.html