Phần mềm gián điệp smartphone nguy hiểm vừa bị phát hiện

Google cho biết họ đã tìm ra công cụ chuyên theo dõi dữ liệu người dùng từ một công ty Italy có tên RCS Lab.

Ngày 23/6, Google nói rằng RCS Lab, một công ty có trụ sở tại Milan, đã phát triển các công cụ theo dõi tin nhắn riêng tư và danh bạ của người dùng. Những phát hiện của Google về RCS Lab được đưa ra khi các cơ quan quản lý của châu Âu và Mỹ cân nhắc quy định mới về việc sử dụng phần mềm gián điệp.

“Những nhà cung cấp phần mềm gián điệp đang góp phần làm gia tăng các công cụ hack nguy hiểm. Bên cạnh đó, họ còn cung cấp công cụ cho các chính phủ”, Google cho biết trong báo cáo.

Mặc dù vậy, RCS Lab cho biết các sản phẩm và dịch vụ của họ vẫn tuân thủ những quy định của châu Âu và chỉ giúp các cơ quan thực thi pháp luật điều tra tội phạm.

Phan mem an cap du lieu tren smartphone anh 1

Google đưa ra cảnh báo về phần mềm gián điệp của công ty RCS Lab. Ảnh: Forbes.

“Nhân viên của RCS Lab không được tiếp xúc cũng như hợp tác với bất kỳ hoạt động nào do các khách hàng có liên quan thực hiện”, công ty này trả lời Reuters. Đồng thời, RCS Lab cũng khẳng định họ lên án mọi hành vi lạm dụng sản phẩm của mình.

Về phần mình, Google cho biết họ đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ người dùng hệ điều hành Android và đưa ra cảnh báo về phần mềm gián điệp.

Hiện tại, các chính phủ ngày càng sử dụng nhiều công cụ theo dõi dữ liệu, kèm theo đó là sự gia tăng của các phần mềm gián điệp. Các nhà hoạt động chống giám sát đã nhiều lần cáo buộc rằng những công cụ kiểu này sẽ làm mất quyền tự do của người dân.

Bill Marczak, nhà nghiên cứu bảo mật của cơ quan giám sát kỹ thuật số Citizen Lab, cho biết công cụ của RCS Lab có thể không lén lút như Pegasus (phần mềm theo dõi nổi tiếng từ công ty NSO của Israel), nhưng nó vẫn có thể đọc tin nhắn và đánh cắp mật khẩu của người dùng.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu của Google phát hiện rằng RCS Lab trước đây từng hợp tác với công ty gián điệp Hacking Team. Đây là công ty đã tạo ra phần mềm giám sát tương tự để các chính phủ xâm nhập vào điện thoại và máy tính của người dùng. Hacking Team đã phá sản sau khi trở thành nạn nhân của một vụ hack lớn vào năm 2015 dẫn đến việc bị rò rỉ nhiều tài liệu nội bộ.

Ngoài ra, theo ông Billy Leonard, nhà nghiên cứu cấp cao của Google, tin tặc cũng sử dụng phần mềm gián điệp RCS để làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Điều này cho thấy họ có quan hệ với các bên được chính phủ hậu thuẫn.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/phan-mem-gian-diep-smartphone-nguy-hiem-vua-bi-phat-hien-a18194.html