Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-2020), triển lãm "Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái" được tổ chức từ ngày 24-6 đến hết 4-7 tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, TP HCM. Triển lãm đã dự kiến khai mạc vào 1-9-2020 (đúng ngày sinh của ông), nhưng vì lý do dịch bệnh nên đã dời lại cho đến nay.
Đa phần các bức tranh tại triển lãm lần đầu được công bố trước công chúng, thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn và gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái. 35 tranh sơn dầu và 25 tranh bột màu với đa dạng các thể loại: Phố phường Hà Nội, tranh tĩnh vật, khỏa thân, tranh về chèo...
Bên cạnh đó là nhiều hiện vật gắn bó với cuộc đời người họa sĩ tài hoa như: Nhật ký, đồng hồ, bản phác thảo, chiếc mũ len...
Đồng thời, NXB Trẻ cũng cho ra mắt 2 tác phẩm về họa sĩ Bùi Xuân Phái: "Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi" do chính nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn viết và "Bùi Xuân Phái - Con mắt của trái tim" gồm 25 bài viết của 14 nhà phê bình, nghiên cứu, nhà sưu tầm, văn nghệ sĩ như: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Thái Bá Vân...
Họa sĩ Bùi Xuân Phái
Những đồ dùng cá nhân như: Đồng hồ, sổ tay, giá vẽ tranh, nón len... được gia đình tặng lại cho nhà sưu tập
Bùi Xuân Phái chuyên vẽ sơn dầu và đam mê mảng phố cổ Hà Nội. Nhắc đến tranh của ông, hình ảnh ngõ ngách Hà Nội 36 phố phường hiện lên bằng vẻ đẹp dung dị đời thường và rất đỗi thân thương.
Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân từng ví tranh của Bùi Xuân Phái "như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ". Đối với cả những người không am hiểu về hội họa, tranh của cố họa sĩ cũng có thể dễ dàng đi vào tiềm thức bởi cái hồn chân chất và nét vẽ tự tại mà lại quá đỗi ý nhị, thâm sâu.
Sinh thời, Bùi Xuân Phái chỉ một lòng với vẽ tranh, ông tự nhủ với mình trong nhật ký "...cho mình 5 nghìn, mình không quan tâm" và chép trong sổ tay câu nói của Beethoven rằng "Tôi không sáng tác để đi đến danh vọng. Tôi thấy trong lòng tôi rộn lên những điều cần phát tiết ra ngoài. Tôi diễn tả lòng tôi. Chỉ có thế".
Họa sĩ Bùi Thanh Phương - Con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái từ Hà Nội vào TP HCM để tham dự triển lãm. Ông ngắm nhìn những kỷ vật lúc sinh thời của cha mình
Và cứ thế ông vẽ. Gạt bỏ mọi toan tính với đời và vẽ bằng tình yêu tha thiết nhất. Tranh của Bùi Xuân Phái theo nhận xét của nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn là sự giao thoa giữa hoài niệm và thực tại sinh động chứ không đơn thuần là hoài niệm. Sử dụng chất liệu sơn dầu với những đường nét mảng khối dứt khoát, tranh ông vẽ luôn mang cảm quan hiện đại, vượt lên mọi thăng trầm của đời sống, còn sống mãi với thời gian.
Một số hình ảnh khác tại triển lãm:
Tranh phố phường Hà Nội đã làm nên tên tuổi Bùi Xuân Phái
Bùi Xuân Phái vẽ nhiều tranh khỏa thân
Bức tự họa cuối cùng của cố họa sĩ
Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh phố phường Hà Nội với tên gọi "Phố Phái"
Sinh thời, Bùi Xuân Phái chỉ có một triển lãm cá nhân vào năm 1984. Sau khi họa sĩ qua đời, gia đình và giới nghệ thuật tổ chức triển lãm tranh của ông khoảng 15 lần.
Người mộ điệu tham quan triển lãm "Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái"
Nghệ thuật chèo qua nét vẽ Bùi Xuân Phái
Triển lãm từ lần 1 năm 1989 đến lần thứ 9 do các nhà sưu tập Phạm Văn Bổng, Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí.. đều lấy tên "Triển lãm những tác phẩm chưa trưng bày". Đến lần thứ 10 đổi thành "Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái"
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nhieu-tranh-cua-co-hoa-si-bui-xuan-phai-lan-dau-cong-bo-truoc-cong-chung-a18096.html