Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo NHNN, một số tổ chức tín dụng cho vay khách hàng cá nhân với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản với số tiền lớn, tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường bất động sản.
Do vậy, NHNN dự kiến bổ sung một loạt nhu cầu vốn mà các ngân hàng không được phép cho vay.
Cụ thể, các ngân hàng không được cho vay để khách hàng chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch dân sự với bên thứ ba.
NHNN cho biết, thực tiễn thời gian qua, một số tổ chức tín dụng đã thực hiện cho vay để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã có văn bản số 9565/NHNN-CSTT ngày 06/12/2019 cảnh báo tổ chức tín dụng. Vì vậy, cần xem xét bổ sung quy định về nhu cầu vốn không được cho vay để đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay.
Đối với trường hợp cho vay góp vốn, hợp tác kinh doanh không hình thành vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn, việc đánh giá phương án khả thi và khả năng trả nợ của khách hàng là rất khó do hiệu quả của phương án được xác định bởi khoản lợi tức cố định do bên nhận góp vốn cam kết trả cho khách hàng, không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của bên nhận góp vốn và nguồn trả nợ của khách hàng được thẩm định phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của bên nhận góp vốn; việc xác định vốn vay được sử dụng đúng mục đích được thực hiện thông qua việc kiểm soát tiền được chuyển cho bên nhận góp vốn.
Tuy nhiên, sau khi giải ngân vào tài khoản của bên nhận góp vốn, một số trường hợp tổ chức tín dụng không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp.
Đối với trường hợp cho vay góp vốn, hợp tác kinh doanh hình thành vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn, NHNN cho biết thực tế cho thấy một số trường hợp chủ đầu tư/đơn vị nhận vốn góp là doanh nghiệp mới thành lập; các hồ sơ, tài liệu liên quan đến doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp không có nhân sự có kinh nghiệm, không có máy móc, phương tiện hoạt động thi công công trình… Trong khi đó, tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát vốn vay thiếu chặt chẽ.
Còn về cho vay hoàn vốn tự có, việc cho vay này tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay và tính xác thực của các giao dịch mà tổ chức tín dụng tài trợ trong thực tế; tổ chức tín dụng sẽ không kiểm soát được việc khách hàng sử dụng số tiền được giải ngân.
Về cho vay thanh toán tiền đặt cọc, tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc hướng đến các công ty này chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, NHNN cho biết hầu hết các dự án bất động sản sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật như: chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Sau khi tổ chức tín dụng cấp tín dụng khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. "Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro", Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/chan-dong-tin-dung-vao-dat-coc-nha-o-hinh-thanh-trong-tuong-lai-a18018.html