Vào đầu tháng 6, các nhà lập pháp thuộc Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng và Thị trường Nội bộ, Nghị viện châu Âu đã đạt thỏa thuận có thể tác động mạnh mẽ tới Apple.
Cụ thể, dự luật bắt buộc toàn bộ smartphone bán ra tại Liên minh châu Âu (EU) từ mùa thu năm 2024 trang bị cổng kết nối USB-C để sạc pin có dây, kể cả iPhone.
Quy định chuẩn hóa cổng sạc đã được EU xem xét và cân nhắc trong nhiều năm, nhằm mục đích cắt giảm rác thải điện tử. Trong tương lai, các nhà lập pháp hướng đến việc smartphone không còn bộ sạc trong hộp bởi người dùng có thể sạc bằng cáp và củ sạc có sẵn.
Từ cuối năm 2024, các thiết bị cá nhân tại châu Âu sẽ dùng chung cổng USB-C. Ảnh: European Commission. |
Trong khi đa số smartphone và thiết bị công nghệ đã chuyển sang USB-C, quy định mới của EU sẽ ảnh hưởng đến Apple, công ty lớn duy nhất vẫn dùng cổng sạc độc quyền trên điện thoại.
Dưới đây là một số ưu, nhược điểm của Lightning và USB-C, cùng những khó khăn mà Táo khuyết có thể đối mặt nếu phải chuyển sang cổng USB-C trên iPhone.
Lightning bền hơn nhưng tốc độ chậm
Lightning là cổng kết nối gồm 8 chân tiếp xúc, được Apple ra mắt năm 2012 thay cho đầu cắm 30 chân. Cổng này có chiều ngang và cao 6,7 mm, dày 1,5 mm, có thể cắm theo 2 chiều (lật lên hoặc úp xuống). Đây là kết nối dạng đực bởi chân tiếp xúc nằm trên đầu cáp, không phải trong vỏ bọc kim loại.
Nhược điểm lớn nhất của kết nối Lightning là tốc độ truyền dữ liệu chậm. Theo AppleInsider, đa số cổng Lightning theo chuẩn USB 2.0, tốc độ tối đa 480 Mbps. Chỉ một số mẫu iPad Pro từ năm 2015 - 2017 mới trang bị cổng Lightning chuẩn USB 3.0, cho tốc độ tối đa 5 Gbps.
Chuẩn USB 3.2 có thể đạt tốc độ 20 Gbps nhưng chỉ dành cho cổng kết nối USB-C. Kể cả dòng iPhone 13 mới nhất của Apple vẫn chỉ dùng cổng Lightning chuẩn USB 2.0.
Cổng Lightning khá phù hợp để sạc điện thoại. iPhone 13 Pro Max có thể đạt công suất sạc tối đa 27 W trong một khoảng thời gian nhất định nếu dùng adapter sạc phù hợp.
Cổng Lightning được giới thiệu lần đầu trên iPhone 5 ra mắt năm 2012. Ảnh: Macworld. |
Apple có thể hưởng lợi nhờ cổng cắm độc quyền với chương trình Made for iPhone (MFi). Các phụ kiện Lightning do bên thứ ba sản xuất phải đạt chuẩn MFi mới dùng được trên thiết bị của Apple. Điều này cũng mang đến lợi ích cho người dùng bởi họ có thể yên tâm về chất lượng phụ kiện nếu thấy tem chứng nhận đạt chuẩn MFi.
Theo thử nghiệm của AppleInsider, cổng Lightning khó hỏng hơn so với USB-C. Do thiết kế chân tiếp xúc nằm trên đầu cáp và lộ ra ngoài, cổng Lightning có thể cong vênh nhưng sau khi cố định trở lại, chúng vẫn có thể hoạt động bình thường. Trong khi đó, nếu đầu USB-C bị cong hoặc gãy, nhiều khả năng chân tiếp xúc bên trong cũng gãy theo.
USB-C có tốc độ nhanh, đa dụng
USB-C thực chất chỉ là cổng kết nối, không phải tiêu chuẩn đại diện cho tốc độ truyền dữ liệu hoặc công suất sạc. Đây là cổng cắm dạng cái, chân tiếp xúc nằm bên trong cổng.
Tiêu chuẩn mới nhất mà USB-C có thể đạt được là USB 4, hỗ trợ truyền dữ liệu với tốc độ tối đa 40 Gbps. Đầu cắm này có thể dùng cho chuẩn Thunderbolt 3 và Thunderbolt 4 trên một số laptop như MacBook Pro hay iMac.
Trong thử nghiệm của AppleInsider, cáp USB-C sang Lightning với công suất 20 W cho thời gian sạc đầy iPhone 12 Pro nhanh nhất (1 tiếng 55 phút). Trong khi đó, cáp USB-A sang Lightning công suất 5 W mất hơn 3 tiếng 10 phút, sạc không dây Qi 7,5 W mất khoảng 2 tiếng 40 phút, còn MagSafe là khoảng 2 tiếng 10 phút.
MacBook Pro M1 với cổng kết nối USB-C. Ảnh: AppleInsider. |
Ưu điểm khác của USB-C là tương thích ngược với USB 2.0, bên cạnh đó các cổng như DVI, VGA và HDMI nếu sử dụng adapter phù hợp. Cổng này cũng hỗ trợ DisplayPort với độ phân giải tối đa 8K, 60 Hz.
Điểm trừ của USB-C là các chuẩn quá nhiều, với tốc độ và tên gọi khác nhau khiến người dùng bối rối. Trong khi USB 2.0, USB 3.0, USB 3.1 hay USB 4 tập trung vào tốc độ và băng thông, chuẩn USB Power Delivery liên quan đến công suất sạc.
Tương tự Lightning, phụ kiện dùng cổng USB-C cần đạt chứng nhận an toàn. Một tổ chức có tên USB Implementers Forum (USB-IF) được thành lập từ năm 1995 để phê duyệt, quảng bá các chuẩn USB dành cho phụ kiện và thiết bị công nghệ.
Các giải pháp của Apple
Nếu chuyển sang USB-C trên iPhone, người dùng chỉ cần một sợi cáp là có thể sạc nhiều thiết bị từ smartphone, tablet, laptop và phụ kiện. Tuy nhiên, Apple sẽ hứng chỉ trích từ những người đã quen với cổng Lightning. Các phụ kiện Lightning xuất hiện trong 10 năm qua sẽ không thể sử dụng trừ khi Apple bán thêm bộ chuyển đổi.
Theo ước tính, quy định mới của châu Âu có thể giúp cắt giảm hơn 12.000 tấn rác thải điện tử hàng năm. Bên cạnh đó, người dùng cũng tiết kiệm được khoảng 268 triệu USD khi không cần mua thêm các bộ sạc khác nhau.
Nếu iPhone chuyển sang USB-C, người dùng chỉ cần một sợi cáp để sạc mọi thiết bị di động. Ảnh: AppleInsider. |
EU không thể buộc Apple thay đổi cổng sạc trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong năm tài chính 2021, khoảng 25% doanh số của Apple đến từ châu Âu, iPhone là thiết bị bán chạy nhất.
Trong trường hợp vẫn trang bị cổng Lightning trên iPhone, Apple sẽ vi phạm quy định mới của EU. Nếu thực sự muốn "lách luật", Táo khuyết chỉ còn cách loại bỏ hoàn toàn cổng kết nối, chuyển sang giao thức sạc không dây như Qi hay MagSafe.
Tuy nhiên, sạc không dây hiện nay vẫn kém hiệu quả so với sạc có dây. Ví dụ, MagSafe yêu cầu củ sạc tối thiểu 25 W, nhưng chỉ có thể sạc với công suất tối đa 15 W. Quá nhiệt cũng là vấn đề cần giải quyết nếu muốn dùng sạc không dây làm chuẩn sạc chính.
Nếu không muốn chuyển sang USB-C, Apple có thể hướng đến tương lai với iPhone hoàn toàn không dây. Hiện tại, MagSafe đã tương thích chuẩn sạc Qi với công suất 15 W hoặc 7,5 W, phù hợp với quy định của EU về chuẩn sạc không dây thống nhất.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/iphone-se-ra-sao-neu-bo-cong-lightning-a17944.html