Làm chậm iPhone, Apple có thể phải bồi thường gần 1 tỷ USD

Dù xảy ra từ 5 năm trước, bê bối làm chậm iPhone chai pin vẫn khiến Apple đối mặt những vụ kiện từ người dùng.

Justin Gutmann, nhà hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng tại Anh đã khiếu nại Apple lên Tòa án Kháng cáo Cạnh tranh ở London. Đơn khiếu nại cáo buộc Apple cố tình giảm hiệu năng các mẫu iPhone bị chai pin mà không cảnh báo, không cho phép người dùng điều chỉnh.

Gutmann đang chờ tòa án chấp thuận xử lý đơn kiện dưới dạng tập thể. Nếu thua cuộc, Apple sẽ phải bồi thường hơn 930 triệu USD cho khoảng 25 triệu người mua iPhone tại Anh bị ảnh hưởng bởi công cụ giảm hiệu năng.

Apple bi kien tai Anh vi lam cham iPhone cu anh 1

Apple đối mặt vụ kiện do cố tình làm chậm iPhone cũ mà không cảnh báo. Ảnh: Reuters.

Theo The Guardian, các mẫu iPhone nằm trong vụ kiện được sản xuất từ 2015-2017 gồm iPhone 6, 6 Plus, 6s, 6s Plus, SE 2016, 7, 7 Plus, 8, 8 Plus và iPhone X. Gutmann lập luận việc Apple "bóp" hiệu năng iPhone không được công khai nhằm che giấu người dùng rằng viên pin trên thiết bị không đủ sức xử lý những tính năng mới.

Thay vì đưa ra chương trình thu hồi, thay pin hoặc thừa nhận bản cập nhật không còn phù hợp với iPhone đời cũ, Apple lại khuyến khích người dùng nâng cấp phần mềm cho thiết bị dù biết rằng chúng sẽ khiến máy hoạt động chậm hơn.

"Thay vì đưa ra hành động mang tính tôn trọng khách hàng và cung cấp dịch vụ thay pin miễn phí, sửa chữa hoặc bồi thường, Apple lại lừa dối mọi người bằng cách che giấu một công cụ trong bản cập nhật phần mềm khiến thiết bị của họ chậm hơn 58%.

Tôi quyết định khiếu nại để hàng triệu người dùng iPhone tại Anh được khắc phục hậu quả do hành động của Apple. Nếu vụ kiện thành công, tôi hy vọng các hãng công nghệ lớn sẽ đánh giá lại mô hình của họ và tránh những hành vi này", Gutmann cho biết.

Tin đồn Apple cố tình làm chậm iPhone xuất hiện từ năm 2016 khi nhiều người dùng iPhone 6s phàn nàn thiết bị thường xuyên sập nguồn. Theo 9to5Mac, Táo khuyết đã bổ sung công cụ giảm hiệu năng khi pin bị chai trong các bản cập nhật iOS, nhưng không công bố rộng rãi.

Năm 2017, "cha đẻ" ứng dụng Geekbench John Poole phát hiện công cụ. Đến tháng 12/2017, Apple thừa nhận làm chậm iPhone bị chai pin khi dùng cạn hoặc quá nhiệt để đảm bảo thiết bị hoạt động bình thường. Táo khuyết cho rằng pin chai không thể cung cấp đủ dòng điện để chip xử lý trên iPhone hoạt động ở hiệu năng cao nhất.

Trước khi cập nhật công cụ làm chậm, viên pin chai sẽ khiến điện thoại tắt nguồn. Tuy nhiên với công cụ "tối ưu" của Apple, iPhone vẫn có thể hoạt động nhưng hiệu năng chậm hơn. Từ năm 2018, Táo khuyết bổ sung tính năng theo dõi tình trạng pin, cho phép người dùng kiểm tra dung lượng thực tế và tắt công cụ làm chậm nếu cần thiết.

Apple bi kien tai Anh vi lam cham iPhone cu anh 2

Tính năng kiểm tra tình trạng pin trên iPhone được bổ sung từ năm 2018. Ảnh: iDownloadBlog.

"Chúng tôi chưa từng, và sẽ không bao giờ làm điều gì để cố tình rút ngắn tuổi thọ bất cứ sản phẩm của Apple, hoặc làm giảm trải nghiệm sử dụng để khuyến khích nâng cấp. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các sản phẩm được khách hàng yêu thích, một phần quan trọng là giúp iPhone hoạt động lâu nhất có thể", đại diện Apple cho biết trong tuyên bố ngày 16/6.

Apple đã đối mặt hàng chục vụ kiện do cố tình làm chậm iPhone cũ. Tại Italy, công cụ làm chậm iPhone khiến Táo khuyết bị phạt 10,6 triệu USD, Samsung bị phạt 5,3 triệu USD. Trong khi đó, vụ kiện tại Mỹ kết thúc vào tháng 3/2020 khi Apple đồng ý trả 25 USD cho mỗi người dùng iPhone bị ảnh hưởng, tổng số tiền là 310 triệu USD.

Trải nghiệm iOS 16 beta: Đổi giao diện iPhone, còn nóng và chưa mượt Sau khi nâng cấp lên iOS 16, Apple cung cấp cho người dùng nhiều tùy chọn để cá nhân hóa màn hình khóa thiết bị theo sở thích, thói quen sử dụng.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/lam-cham-iphone-apple-co-the-phai-boi-thuong-gan-1-ty-usd-a17903.html