"Tổng cục Đường bộ Việt Nam chắc chắn sẽ không còn"

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết khi đối chiếu các tiêu chí về cấp Tổng cục theo quy định hiện hành thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam không còn đảm bảo.

Trao đổi với báo chí sáng 20/6 về “tương lai” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định Tổng cục Đường bộ Việt Nam chắc chắn sẽ không còn. Bởi vì khi đối chiếu các tiêu chí về cấp Tổng cục theo quy định hiện hành và tinh thần sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam không đảm bảo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết theo yêu cầu của Thủ tướng, thời gian qua Bộ GTVT đã rà soát hoạt động của các đơn vị trực thuộc. Mô hình tổng cục thuộc các bộ sẽ được tổ chức lại nếu không đảm bảo tiêu chí. "Chỉ cần thiếu một tiêu chí cũng không được phép tồn tại, do đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam chắc chắn sẽ không còn", ông Thể nói.

Theo Tư lệnh ngành GTVT, ngay sau khi nhận chức người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất nhanh chóng làm việc với Bộ GTVT, trong đó chỉ đạo phấn đấu đến 2030 xây dựng được 5.000 km cao tốc. Quá trình triển khai thời gian qua cho thấy mô hình Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách...

Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng đề án thay đổi mô hình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay.

Bộ GTVT đang trong quá trình xây dựng đề án, sẽ công khai xin ý kiến các bộ ngành và nhân dân để làm sáng tỏ các vấn đề trước khi báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng.

"Trong quá trình xây dựng có nhiều ý kiến, nhưng quyết định cuối cùng là của các thành viên Chính phủ, của Thủ tướng chứ không phải từ Bộ GTVT", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Chính sách - 'Tổng cục Đường bộ Việt Nam chắc chắn sẽ không còn'

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT đang trong quá trình xây dựng Nghị định 12 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ GTVT để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết vấn đề Tổng cục Đường bộ Việt Nam là một trong các nội dung mà Bộ nghiên cứu trong quá trình xây dựng lại Nghị định 12 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Bộ GTVT để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Trong đó Nghị được xây dựng theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Trước đó, đầu tháng 6/2022, Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ GTVT đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam có khối tham mưu gồm 7 phòng: Tổ chức - hành chính; Pháp chế - thanh tra; Kế hoạch - đầu tư; Tài chính; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; Khoa học - công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế; có 7 chi cục thực thi quản lý nhà nước gồm: 6 chi cục quản lý đường bộ I, II, III, IV, V, VI và Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ.

Cục Đường bộ Việt Nam có khối đơn vị sự nghiệp gồm 11 đơn vị: Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1, 2, 3 và 4; Trung tâm Kỹ thuật và truyền thông đường bộ; Trường cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ; Cụm phà Vàm Cống; Ban quản lý dự án 3, 4, 5 và 8.

Còn Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam có khối tham mưu gồm 5 phòng: Tổ chức - hành chính; Pháp chế - thanh tra - an toàn; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; Kế hoạch - tài chính; Quản lý đầu tư xây dựng và 3 chi cục quản lý đường bộ cao tốc 1, 2, 3 cùng 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Điều hành giao thông đường bộ cao tốc (ITS).

Với số biên chế cơ quan hành chính năm 2022 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao là 728, sẽ điều chuyển 558 biên chế cho Cục Đường bộ Việt Nam (121 biên chế khối cơ quan, 437 biên chế khối chi cục) và 170 biên chế cho Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam (65 biên chế khối cơ quan, 105 biên chế khối chi cục).

Chính sách - 'Tổng cục Đường bộ Việt Nam chắc chắn sẽ không còn' (Hình 2).

Trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay. 

Trao đổi về vấn đề sắp xếp lại tổ chức, bộ máy biên chế tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ sáng 20/6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

“Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 Bộ ngành (có 4 Bộ đề nghị không thay đổi Nghị định)”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng chia sẻ thêm: "Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo để sắp xếp tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Chính phủ, đây là một việc rất nhạy cảm, khó khăn nên phải bám chặt vào những quy định và chủ trương theo Nghị quyết 56 của UBTV Quốc hội, làm sao giảm được các Tổng cục, Vụ tương đương, giảm các phòng bên trong các đơn vị, đây cũng là khối lượng công việc rất nặng nề".

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/tong-cuc-duong-bo-viet-nam-chac-chan-se-khong-con-a17901.html