Ngày 14/6, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam". Hiện thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề thời sự được các quốc gia và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới quan tâm.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng bàn luận về những thách thức, lợi ích nếu Việt Nam tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu cũng như tác động của việc thực thi trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Thu hàng nghìn tỷ đồng từ việc bỏ ưu đãi
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện Việt Nam đã ký 83 hiệp định thương mại với các nước và tổ chức trên thế giới.
"Đầu tư vào Việt Nam khác nhiều với đầu tư vào các thiên đường thuế, vì trong hơn 386.000 dự án đầu tư vào Việt Nam, các dự án chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí đốt và bất động sản", ông nói.
Ông cũng cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính là bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam.
Tại Việt Nam, hiện tổng số thu thuế suất ưu đãi là 12,3%. "Trong tổng số hơn 386.000 dự án, chúng ta chỉ tập trung ưu đãi thuế cho 3% số dự án đang hoạt động. Một số tập đoàn lớn thuế suất ưu đãi chỉ 2,75% đến 5,95%", ông nói.
"Đó là ưu đãi của Việt Nam để thu hút dự án lớn, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Theo đó, tác động của thuế tối thiểu toàn cầu là làm giảm hiệu quả ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoài", Phó Tổng cục trưởng nói thêm.
Theo ông Minh, nếu chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài giảm hấp dẫn, sẽ ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại. Bên cạnh đó, ảnh hưởng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch. Cuối cùng, ảnh hưởng đến xuất khẩu và các cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối.
Tuy vậy, theo ông, biện pháp dài hạn vẫn cần là buộc phải nâng thuế suất tối thiểu lên 15%, giúp tăng thuế. Điều này sẽ giúp thu hàng nghìn tỷ đồng từ việc bỏ ưu đãi thuế suất.
"Phải ban hành được thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu trong nước theo mức 15%. Có lẽ cần có đột phá để sửa đổi luật sớm hơn để theo kịp nhịp đập của thế giới", ông nhấn mạnh.
Ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy" về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia.
Ông nhận định, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tạo ra một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2023.
"Về tác động đối với kinh tế, đầu tư toàn cầu, việc áp dụng thuế toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút đầu tư nước ngoài", ông Cấn Văn Lực cho hay.
Ngoài ra, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến dòng vốn FDI có những xáo trộn trong ngắn hạn.
Cụ thể, khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có một số tác động nhất định (cả tích cực và tiêu cực) tới Việt Nam. Cụ thể, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng.
"Điều này sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam nói riêng và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...", ông nói.
Thứ 2, theo ông Cấn Văn Lực, thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Thứ 3, sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi.
"Các nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu được thống nhất về mặt nguyên tắc song một số nội dung vẫn được bảo lưu và chưa được quy định, hướng dẫn chi tiết có thể khiến hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng", ông Cấn Văn Lực nêu ra 4 tác động tích cực nếu áp mức thuế tối thiểu toàn cầu.
Cần tiến hành sửa đổi các luật thuế
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI thông tin, từ 2017, Việt Nam tham gia Diễn đàn hợp tác thực hiện Chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS).
Thế nhưng, ông Tuấn cho rằng việc chuyển tải lợi ích quốc gia vẫn ít. "Cần làm sao để đưa tiếng nói những quốc gia như Việt Nam từ lúc thực hiện chính sách, lợi ích của Việt Nam phải đậm nét hơn từ lúc thiết lập cuộc chơi", ông nói.
Theo ông Tuấn, hiện các tập đoàn quốc tế vẫn hoang mang do luật thuế tối thiểu toàn cầu vẫn chưa rõ hình hài, chỉ mới thống nhất quy tắc và rủi ro rất lớn cho môi trường đầu tư.
"Dù sao cũng phải cần chuẩn chung của thế giới, Việt Nam tham gia dần dần theo lộ trình phù hợp. Đây là một dịp để Việt Nam rà soát ban hành và điều chỉnh chính sách theo luật thuế và luật đầu tư", ông Tuấn nói.
"Việt Nam liệu có mất lợi thế thu hút đầu tư nếu thuế tối thiểu toàn cầu?" ông Tuấn đặt câu hỏi. Theo ông, hiện ưu đãi thuế suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quan trọng với nhà đầu tư. "Tuy nhiên, làm sao các nhà đầu tư đã vào Việt Nam vẫn bảo đảm được quyền lợi và yên tâm đầu tư tại Việt Nam?", ông nêu câu hỏi.
Hiện nhiều dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư đang được hưởng thuế suất 10%, miễn 4 năm, giảm 50% cho 9 năm (đều thấp hơn 15%) chủ yếu là nhà đầu tư lớn. "Nhiều doanh nghiệp cho biết chọn Việt Nam do nhiều yếu tố, lớn nhất là ổn định chính trị, mức thuế thấp là thế mạnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế giảm chi phí (nguồn lao động dồi dào nhưng chi phí thấp)", ông cho hay.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Việt Nam cần tiến hành sửa đổi các luật thuế như áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% (có thể kéo dài hơn cho một vòng đời dự án); sửa luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư để luật hóa cam kết này, có chương trình rà soát hệ thống khuyến khích, ưu đãi đầu tư để có sửa đổi phù hợp…
"Đặc biệt, Việt Nam cần nghiên cứu thành lập Tổ công tác về thuế suất. Với sự góp mặt của các cơ quan như Tổng cục thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Bộ Khoa học và Công nghệ", ông nhận định.
Thành lập Tổ công tác đặc nhiệm
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) kiến nghị Chính phủ thành lập "Tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu toàn cầu".
Tổ chức này sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu toàn diện quy định của các tổ chức quốc tế, các quốc gia có doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chịu tác động của cơ chế này, kinh nghiệm của một số nước đang phát triển, lời khuyên của các chuyên gia quốc tế, thu thập thông tin về sản xuất, kinh doanh của các công ty xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam để tính toán lợi ích và thiệt hại khi áp dụng cơ chế này, làm căn cứ để đưa ra quyết định phù hợp, đề ra giải pháp đồng bộ khi nước ta tham gia thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo ông, tổ công tác không chỉ bao gồm lãnh đạo và chuyên viên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan trung ương, mà cần có các lãnh đạo, chuyên gia các chuyên gia có kinh nghiệm về luật pháp và thuế quốc tế, đầu tư nước ngoài, công ty tư vấn thuế có uy tín, để tư vấn cho chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp.
"Tổ công tác đặc nhiệm phải do một phó Thủ tướng đứng đầu", ông Mại đề xuất.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/thue-toi-thieu-toan-cau-ngan-cuoc-dua-xuong-day-ve-thue-suat-uu-dai-a17629.html