Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và 2018. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, trước bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đã có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.
Theo đó, dự án luật sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 đang diễn ra và xem xét thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay. Vào ngày 15/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Khẳng định vai trò mũi nhọn của ngành dầu khí
Nhìn lại bức tranh phát triển của ngành dầu khí Việt Nam kể từ khi Luật Dầu khí ra đời tại tọa đàm “Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành Dầu khí phát triển” diễn ra vào tối ngày 13/6, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than, Bộ Công thương khẳng định dầu khí có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội toàn cầu trong quá khứ, hiện nay cũng như trong tương lai.
Đối với Việt Nam, ngành Dầu khí chính là ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm tăng trưởng kinh tế của đất nước nhanh và bền vững, cũng như bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có những đóng góp quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển...
“Ngành dầu khí đã khai thác được khoảng 420 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 170 tỷ m3 khí, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn 2006-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Doanh nghiệp nòng cốt của ngành Dầu khí đóng góp trung bình 20-25% tổng thu NSNN, 18-25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lượng và mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, PVN vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu NSNN (trong đó từ dầu thô là 5-6%), 10-13% GDP cả nước.
Bên cạnh đó, với hơn 100 hợp đồng dầu khí đã được ký kết từ năm 1981 đến nay (trong đó đến hiện còn 51 hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực), hoạt động dầu khí đã bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông”, ông Nguyễn Việt Sơn cho biết.
Về tiềm năng khai thác trong thời gian tới, ông Nguyễn Việt Sơn cho biết, theo đánh giá, tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện trên thềm lục địa Việt Nam vào khoảng trên 1,5 tỷ m3 quy dầu. Trữ lượng dầu khí có thể thu hồi còn lại khoảng 800 triệu m3 quy dầu (trong đó khoảng 300 triệu m3 dầu và 500 triệu m3 khí), tuy nhiên việc khai thác nguồn tài nguyên này ngày càng khó khăn do các mỏ nằm ở vùng nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp.
“Với nguồn lực lớn đã được đầu tư thời gian qua (về vốn, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị công nghệ, con người, trình độ quản lý,...) và tiềm năng dầu khí đã phát hiện, ngành Dầu khí là còn nhiều dư địa phát triển để có thể đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
Song để phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành dầu khí trong tình hình mới thì việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, trước mắt là sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) là đòn bẩy cho ngành Dầu khí phát triển,” ông Sơn khẳng định tầm quan trọng của việc sớm hoàn thiện khung pháp lý cho sự phát triển của ngành dầu khí.
Nhiều thể chế mới nảy sinh yêu cầu có Luật điều chỉnh
Đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng Luật Dầu khí hiện nay đang vướng phải những bất cập về thể chế do đó cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần làm rõ 2 khía cạnh: Bất cập thể chế gì? Và tại sao lại bất cập?
Theo đó, theo ông Phan Đức Hiếu hiện nay đang có 4 bất chấp chủ yếu trong khung pháp lý của Luật Dầu khí hiện hành.
Thứ nhất, thực tế cùng với sự phát triển không ngừng của ngành dầu khí đã làm nảy sinh một số hoạt động mà chưa có khung pháp lý điều chỉnh hoặc có nhưng chưa điều chỉnh phù hợp.
Thứ hai, lĩnh vực dầu khí có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều khâu, nhiều quy định khác nhau của hệ thống pháp luật thậm chí nhiều văn bản pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh một vấn đề. Điều này dẫn đến một là sự trùng lặp về chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước, hai là sự phức tạp trong thủ tục hành chính, làm giảm sức hút, sức cạnh canh của ngành dầu khí Việt Nam.
Thứ ba, tính chất hoạt động dầu khí rủi ro cao trong đó các hoạt động “dễ” đã hoặc đang thực hiện, những hoạt động làm trong tương lai sẽ khó hơn, phức tạp hơn. Mặt khác trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, do đó cần điều chỉnh chính sách để tăng ưu đãi đối với các nhà đầu tư làm tăng sức hút và sức cạnh tranh của ngành dầu khí Việt Nam.
Thứ tư, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó luật pháp quốc tế đã thay đổi tương đối. Do đó luật dầu khí cần điều chỉnh để có sự tương thích với luật quốc tế.
Chỉ ra những bất cập trong việc thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ông Phan Đức Hiếu khẳng định cần thiết phải sửa đổi toàn diện, cơ bản đạo luật này, tạo ra một hệ thống luật pháp về dầu khí thế hệ mới trong bối cảnh mới.
Tăng cường chính sách ưu đãi, giảm rủi ro cho nhà đầu tư
Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, dầu khí là ngành nhiều rủi ro, nếu so với các ngành hoạt động trong đất liền thì rủi ro của ngành này gấp nhiều lần, trong đó bao gồm rủi ro về kỹ thuật, rủi ro về thị trường và rủi ro về thời tiết, thiên tai cực đoan.
Do đó, theo TS. Nguyễn Minh Phong, một trong những vấn đề mà Luật dầu khí sửa đổi cần quan tâm đó là tạo ra những ưu đãi, giảm thiểu các rủi ro cho nhà đầu tư với ngành này nhằm tạo ra sự định hướng, sự hấp dẫn cho các dự án, các nhà đầu tư cũng như tăng cơ sở để tăng quyết tâm đầu tư.
Mặc dù, những ưu đãi hiện nay đã phù hợp với một số rủi ro, tuy nhiên, khi xuất hiện những rủi ro mới, đặc biệt rủi ro về chính trị, địa chính trị thì cần sửa đổi luật để có những ưu đãi mới, giảm rủi ro cho ngành Dầu khí.
Ngoài ra, cần thêm những ưu đãi về thuế, môi trường đầu tư, tạo sự thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Việc bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh đầu tư cho các doanh nghiệp cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh...
Những chính sách cần được sử dụng đồng bộ, phù hợp để tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, đủ khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào ngành Dầu khí, giúp các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.
6 nhóm chính sách nổi bật trong Luật Dầu khí (sửa đổi)
Theo ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than - Bộ Công thương, nội dung của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 về chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, cụ thể bao gồm:
Thứ nhất, chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí.
Thứ hai, chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.
Thứ ba, chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.
Thứ tư, chính sách quy định về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.
Thứ năm, chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí.
Thứ sáu, chính sách về quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/sua-luat-dau-khi-can-chinh-sach-uu-dai-giam-rui-ro-cho-nha-dau-tu-a17598.html