Nghệ sĩ J Trần: Lúc trước, tôi tiêu tiền cho những thứ xa xỉ, bây giờ, tôi đầu tư âm nhạc

"Lúc bấy giờ có một số nhân vật sừng sỏ trong ngành này đã trực tiếp có thái độ với tôi. Họ nói tôi phá giá, là kẻ ngoại đạo ngớ ngẩn", J Trần - cha đẻ của The Cover Show kể.

Thời gian gần đây, làng nhạc Việt xôn xao bàn tán về cái tên

Nhà sản xuất J Trần (ảnh trong bài do NVCC).

Triết lý sống và chết đưa J Trần đến với nhạc Việt

J Trần (tên thật: Trần Nhật Huy) là thế hệ ca sĩ của những năm 80. Anh là con nhà nòi về nghệ thuật khi có bố là một nhạc sĩ, nhà văn, vũ sư, y sĩ nổi tiếng và mẹ anh lại là một võ sư kiêm soạn giả cải lương lừng lẫy một thời.

Vì lớn lên trong môi trường "giao thoa văn võ" nên từ nhỏ, J Trần "bị" học văn lẫn võ, thanh nhạc, cổ nhạc, để rồi anh trở thành "võ sĩ bất đắc dĩ" của lò võ thầy Ba Nho, Vịnh Xuân Phái, đồng thời là ca sĩ trẻ của đoàn ca nhạc nhẹ tháng 8 song song là "kép trẻ' cho đoàn cải lương Trần Hữu Trang và Kim Chưởng khi vừa tròn 17 tuổi.

Ngoài ra, anh còn là tác giả của rất nhiều ca khúc như: Giấc mơ cuối đời, Chiếc lá mồ côi, Định mệnh, Ai chính ai phụ, Nước mắt, Nếu, Ghét, Thương, Tan, Tiếc, Chờ, Mơ và một chuỗi 'nhạc kịch" màu sắc âm nhạc hiện đại mang tên The Music's Face. Thế mà anh ví von, anh chỉ đơn thuần là người-viết-tình-ca cho mình, cho đời. Thế thôi!

Đến đây, thì tôi mới cảm thấy mình đang viết về một người thật sự "kỳ lạ".

Nghệ sĩ J Trần: Lúc trước, tôi tiêu tiền cho những thứ xa xỉ, bây giờ, tôi đầu tư âm nhạc - Ảnh 2.

Những điều J Trần làm với nhạc Việt không giống ai.

J Trần chia sẻ: "Khi ba tôi mất, tôi thay đổi hẳn về quan niệm giữa chết và sống. Tôi nói với ba, cha con mình tới thế giới này để dạo chơi thôi, giống như nhà du hành vũ trụ vậy. Chết là hành trình ỏ hành tinh này kết thúc để ta bắt đầu hành trình ở một hành tinh khác. Ba cứ mua vé đi trước. Ba đến hành tinh nào, ba cho con biết, con sẽ gặp lại ba ở đó.

Tuy nhiên, có bao giờ ta tự hỏi vì sao mình đến đây, sứ mệnh của kiếp nhân sinh này là gì và trước khi chúng ta rời đi, sẽ để lại gì. Tôi tự nhìn thấy mình rõ hơn sau sự ra đi của ba. Nếu tôi có để lại tài sản thì những tài sản đó cũng sẽ thay tên đổi chủ.

Với tôi, có lẽ chỉ có những sản phẩm văn hoá mới có thể trở thành di sản của tôi, là dấu ấn chứng minh tôi đã từng đến đây, cõi đời này. Với tôi, cụ thể hơn là âm nhạc.

Thế là tôi quyết định chọn những format về âm nhạc mà tôi đã viết từ bên Mỹ để bắt đầu. Trước tiên, tôi trở về với bản nguyên âm nhạc: vinh danh các nhạc sĩ, những nguời tạo ra các ca khúc, sự khởi đầu của âm nhạc. Và The Cover Show trình làng.

Lúc trước, làm ra tiền, tôi tiêu pha vào những thứ xa xỉ, thì bây giờ, tôi dừng những cái đó lại và đầu tư vào âm nhạc. Thành công thì tốt, nếu không thành công, tôi coi như mình mua siêu xe và bị mất trộm. Nói như vậy để mình nhẹ nhàng mà làm.

Và bây giờ, cái mà tôi có, không phải chỉ là vật chất xa hoa mà là di sản âm nhạc. Tôi sáng tạo ra và các bạn giúp tôi thực hiện. Còn khán giả đón nhận thế nào, đó là thiên ý".

Nghệ sĩ J Trần: Lúc trước, tôi tiêu tiền cho những thứ xa xỉ, bây giờ, tôi đầu tư âm nhạc - Ảnh 3.

Tương lai như thế nào thì không biết, nhưng những gì anh làm giống như lực đẩy của chiếc piston, tác động trực tiếp vào các đồng nghiệp của anh.

Bị ghét vì làm điều không giống ai

Nhạc sĩ là bản nguyên của âm nhạc. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, họ đã bị bỏ quên. Khi nghe một nhạc phẩm, người ta chỉ nhớ tới ca sĩ hát ca khúc đó mà ít khi nào để ý, tác giả là ai.

"Có thực mới vực được đạo. Nếu nghề này không nuôi sống được nhạc sĩ thì làm sao họ có thể theo nghề, làm sao họ sáng tác tốt. Chúng ta, những người yêu nhạc đã vô tình quay lưng với họ, rồi lại càm ràm "nhạc Việt giờ không còn hay như trước nữa".

Làm The Cover Show, tôi trả tiền cho nhạc sĩ rất cao, gấp 3 lần bình thường, tôi cố tình làm thế để tạo ra tiền lệ, để các đơn vị khác ít nhiều phải nâng giá cho họ, theo thời gian, nhạc sĩ sẽ có được thu nhập ổn định. Khi cơm áo gạo tiền không còn là mối lo, thì họ mới có thể sáng tác tốt được. Họ bĩu môi bảo tôi "điên".

Lúc bấy giờ có một số nhân vật sừng sỏ trong ngành này đã trực tiếp có thái độ với tôi. Họ nói tôi phá giá, họ nói tôi là kẻ ngoại đạo ngớ ngẩn, format của tôi không giống ai cả.

Buồn cười nhỉ? Tôi vinh danh nhạc sĩ thì phải trả họ cái giá xứng đáng chứ. Và quan trọng, tôi trả bằng tiền của tôi, đâu phải bằng tiền của ai kia?

Còn format do tôi viết ra, sân khấu do tôi sáng tạo ra, ánh sáng, nghệ thuật do thẩm mỹ riêng của tôi tạo ra, không vay mượn, copy, thì làm sao giống ai cho được.

Một nhạc sĩ trong chương trình The Cover Show đùa với tôi:"Bạn có biết là bạn bị phân nửa giới này ghét rồi không. Bạn đang làm điều không giống người ta nên người ta ghét bạn".

Chịu thôi, tôi đâu sống vì cái yêu - ghét của người ta. Thậm chí trong những người ghét tôi, có cả những người lãnh đồng lương của tôi để nuôi gia đình họ đấy chứ" - nhà sản xuất J Trần "kể khổ".

Nghệ sĩ J Trần: Lúc trước, tôi tiêu tiền cho những thứ xa xỉ, bây giờ, tôi đầu tư âm nhạc - Ảnh 4.

Dù có bị một số nhân vật sừng sỏ trong nghề ghét ra mặt và có thái độ khó chịu thì anh vẫn tin điều làm mình là đúng và quyết không từ bỏ.

Duyên do trời, phận do người

Để làm The Cover Show và The Only, J Trần đã chi rất nhiều tiền, trong khi tiền thu về từ các quảng cáo trong mùa Covid chỉ mang về 1/6 chi phí sản xuất. Ấy vậy mà, J Trần lại cảm thấy tự hào vì anh đã dám làm điều mình muốn.

Anh nói: "Tôi chưa một lần cảm thấy hối tiếc. Điều thành công đầu tiên của tôi là được đài VTV3 chấp cánh cho hai tác phẩm của mình. Hồi còn trẻ, tôi khởi xướng ra phong trào phòng trà chỉ như là một cuộc dạo chơi nhưng bây giờ, tôi làm rất nghiêm túc.

Tôi có nhiều format game show để kiếm tiền, chi phí sản xuất dưới 100 triệu, bán cho đài, cho nhãn hàng, tôi có thể thu vài trăm triệu một tập nhưng tôi không làm. Đơn giản là vì nó chẳng giúp được gì cho tôi cả. Tôi đang xây dựng một nền tảng sản phẩm của riêng tôi, một con đường dài trung thành với hai chữ "chất lượng".

Ở đây, tôi đang đầu tư vào âm nhạc. Nhiều người cho rằng, tôi điên và làm vì đam mê nhưng thật ra, nửa tôi còn lại cũng là một doanh nhân. Bạn bè nhìn tôi đầu tư mà xót xa nhưng tôi quan niệm, đầu tư có hai chọn lựa: ngắn hạn và dài hạn. Tôi chọn vế hai: đường dài.

Vì vậy tôi phải kiên trì với dòng sản phẩm đã được định hình, không thể nửa đường vì lợi nhuận mà thoả hiệp "đánh lận con đen". Tôi tin tôi sẽ thành công. Lúc đó chúng tôi sẽ hái quả ngọt".

Nghệ sĩ J Trần: Lúc trước, tôi tiêu tiền cho những thứ xa xỉ, bây giờ, tôi đầu tư âm nhạc - Ảnh 5.

Sau những gì J Trần làm, cát-sê của các nhạc sĩ bắt đầu được nâng lên và một vài "người lớn" trong giới cũng đã có những cách làm khác để cùng vực dậy làng nhạc Việt sau thời gian "giậm chân tại chỗ" và "héo mòn" vì đại dịch.

Anh cũng không giấu về những ngày đầu làm chương trình đầy may rủi: "Ngày bấm máy đầu tiên của The Cover Show, MC và các nhạc sĩ đều hỏi tôi, chương trình phát đài nào để giới thiệu, tôi nói Youtube (vì tôi đâu có đài nào để phát).

Mọi người trợn mắt nhìn tôi, như nhìn một quái vật. Tôi lúc đó chỉ cười khổ và nói các bạn cứ quay đi, lương các bạn vẫn nhận đủ, chất lượng vẫn tốt, còn chuyện chương trình phát ở đâu là việc của tôi.

Hôm đó, tôi còn nhớ, có một chương trình khác đang quay ngày cuối ở phim trường kế bên chúng tôi. Người của VTV3 tới xem chương trình đó, khi họ đi ngang, nghe bài hát hay và đi vào. Thông thường, tôi không cho người lạ vào trường quay nhưng lúc đó, nhân viên bảo vệ đi vệ sinh nên người của đài vào được.

Ngày thứ hai khi chạy chương trình thì đài VTV3 gọi cho tôi. Bình thường, số điện thoại lạ, tôi không nghe máy, nhưng số đó rất đẹp, nên tôi bắt máy và đầu dây bên kia cho tôi một tin cũng rất đẹp. Nếu tôi muốn phát The Cover Show trên VTV3 vào khung giờ vàng, thì gửi họ xem 1 teaser trước 5 giờ chiều.

Mới khởi quay thì làm gì có teaser, thế là trợ lý của tôi lấy điện thoại ra quay một đoạn rồi gửi cho đài, teaser gửi lúc 3 giờ chiều hôm nay thì 5 giờ chiều hôm sau đài duyệt lên sóng. Đó là điều nằm mơ, tôi cũng không nghĩ đến.

Nghệ sĩ J Trần: Lúc trước, tôi tiêu tiền cho những thứ xa xỉ, bây giờ, tôi đầu tư âm nhạc - Ảnh 6.

Đến lúc này thì anh cười vui sướng: "Nếu tôi không thành công về mặt kinh doanh thì ít nhất, tôi cũng đã dám làm điều mình tin là đúng và ít nhất cũng là người tiên phong để mọi người dám làm điều gì đó cho nhạc Việt", J Trần nói.

Vậy đó, duyên do trời, phận do người. Từ nhỏ, trời đã se duyên tôi với âm nhạc, để bây giờ chính tôi quyết định thực hiện "giấc mơ cuối đời" và thế là bén duyên với VTV3. Lại là một vòng tuần hoàn thú vị của duyên và phận".

https://soha.vn/nghe-si-j-tran-luc-truoc-toi-tieu-tien-cho-nhung-thu-xa-xi-bay-gio-toi-dau-tu-am-nhac-20220527110838695.htm

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nghe-si-j-tran-luc-truoc-toi-tieu-tien-cho-nhung-thu-xa-xi-bay-gio-toi-dau-tu-am-nhac-a17445.html