Thị trường hàng không tại Việt Nam đang sôi động và hồi phục nhanh chóng. Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không quốc tế thế giới sẽ hồi phục ở mức năm 2019 vào năm 2025. Đối với vận chuyển nội địa, IATA dự báo hồi phục sẽ đến sớm, theo đó so với năm 2019, lượng khách nội địa sẽ đạt 93% vào năm 2022, 103% vào năm 2023, 111% vào năm 2024 và 118% vào năm 2025.
Tại hội thảo “Phục hồi và phát triển ngành Hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” vừa được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, nhiều đại biểu cũng bày tỏ triển vọng phát triển hàng không Việt trong năm nay và thời gian tới là khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch Covid-19 với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng.
Giáo sư Trần Thọ Đạt, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam đều chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động.
Ngoài việc các hãng bay tái cơ cấu tiết giảm chi phí, theo ông Đạt, trong giai đoạn 2020-2021, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không.
“Các chính sách này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho các doanh nghiệp hàng không, giảm áp lực về tài chính và hiệu quả của nó đã được chứng minh khi không có một doanh nghiệp hàng không Việt Nam nào, đặc biệt là các hãng hàng không phải phá sản, dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Đạt nói.
Để đáp ứng đà phục hồi của ngành hàng không, từ hãng bay, công ty dịch vụ mặt đất, cảng hàng không đều đang ráo riết tuyển dụng nhân sự.
Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines vừa thông báo tuyển dụng số lượng lớn tiếp viên ở Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng ngay trong tháng 6/2022, số lượng tuyển mới tới 450 người. Trước đó, Hãng Vietjet đã nhanh chóng tuyển dụng hàng trăm tiếp viên, sẵn sàng đào tạo trong quá trình 1,5 - 2 tháng rồi mới thực hiện công việc.
Theo chia sẻ của nhiều tiếp viên, số lượng tiếp viên thi tuyển vào đông nhưng số lượng đáp ứng đủ điều kiện tốt nghiệp chương trình huấn luyện vẫn còn ít. Trong ngành hàng không, quy trình đào tạo khắt khe, theo tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế. Do đó, từ khâu trúng tuyển đến thời gian huấn luyện, bay thực tập... cũng mất ít nhất 2-3 tháng.
Tương tự, Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) ráo riết tuyển dụng 3-4 đợt trong thời gian qua. Để mở rộng tìm kiếm nguồn nhân sự có chất lượng, SAGS tham gia hội chợ việc làm ở các trường đại học lớn vốn thu hút đông đảo sinh viên tham gia ứng tuyển.
Không chỉ nhân sự là tiếp viên, từ nhóm nhân viên mặt đất đến lực lượng an ninh sân bay, bộ phận y tế, kỹ sư xây dựng... cũng thiếu.
Theo các doanh nghiệp hàng không, hiện nay, họ đang đối mặt với 2 nỗi lo là phát triển kinh doanh và bổ sung nguồn nhân lực. Đỉnh điểm dịch năm 2021 đã làm xáo trộn, thay đổi về nhân lực của ngành hàng không. Nhiều hãng đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức tinh gọn, dẫn đến sự chuyển dịch về nguồn lao động.
Trước tốc độ phục hồi của thị trường hàng không, nếu không nhanh chóng gia tăng tuyển dụng nguồn nhân sự, đặc biệt các nguồn nhân sự đặc thù như phi công, tiếp viên, thợ máy, nguy cơ thiếu hụt là hiện hữu.
"Số lượng đăng ký nhiều nhưng đáp ứng các tiêu chí, đặc biệt về trình độ ngoại ngữ, bằng cấp... nhiều bạn vẫn còn thiếu. Chúng tôi tuyển chọn, sau đó phải đào tạo 2-3 tháng về quy trình, nghiệp vụ rất mất thời gian. Nếu không chuẩn bị kỹ sẽ không theo kịp với đà phục hồi của hàng không", một phó tổng giám đốc của công ty dịch vụ mặt đất, chia sẻ.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online)
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/hang-khong-ram-ro-tuyen-nguoi-san-sang-don-da-hoi-phuc-a17179.html