Raju Prasad (42 tuổi), ăn xin tại bang Bihar, miền Đông Ấn Độ đã nhận quyên góp qua ứng dụng thanh toán di động từ nhiều tháng trước. Ngoài thùng tiền, dụng cụ hành nghề của Prasad còn có chiếc tablet và thẻ đeo mã QR.
Chia sẻ với WSJ, Prasad cho biết từ khi áp dụng mã QR để ăn xin, thu nhập của ông tăng gần gấp đôi lên khoảng 300 rupee, tương đương 3,87 USD/ngày. Con số trên cao hơn lương trung bình của một nông dân tại Bihar, bang nghèo nhất Ấn Độ.
Với vài thao tác đơn giản, người qua đường có thể bố thí 5-10 rupee trên smartphone thay vì tìm tiền lẻ trong túi hoặc ví. "Mọi người từng xua đuổi tôi và nói rằng không có tiền mặt. Giờ đây, họ chỉ cần quét mã QR và sẵn sàng cho tôi khoản tiền nhỏ", Prasad cho biết.
Ví điện tử bùng nổ nhờ dịch bệnh
Áp dụng công nghệ để ăn xin là một phần của xu hướng bùng nổ ví điện tử tại Ấn Độ, lý do đến từ thu nhập người dân ngày càng tăng, Internet ổn định và smartphone giá rẻ. Chuyển đổi số cũng là trọng tâm trong chính sách của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Được công bố vào năm 2015, Digital India là chương trình thúc đẩy người nghèo tại các vùng nông thôn của Ấn Độ tiếp cận nền kinh tế chính thống bằng công nghệ. Tuy nhiên, ví điện tử tại nước này chỉ bùng nổ từ khi đại dịch bùng phát, khiến hàng triệu người phải mua thuốc, hàng hóa thông qua ứng dụng trên smartphone. Lo ngại lây bệnh khi tiếp xúc cây ATM cũng khiến nhiều người chuyển sang dùng ví điện tử.
Raju Prasad chấp nhận lấy tiền ăn xin bằng mã QR. Ảnh: Daily Pakistan. |
Theo thống kê của S&P Global Market Intelligence, thanh toán di động đã vượt qua rút tiền tại cây ATM, chiếm 30% nhu cầu tiêu dùng cá nhân tại Ấn Độ vào quý II/2020. Quy mô thị trường này tăng hơn gấp đôi, đạt gần 1.000 tỷ USD trong năm 2021.
"Cơ hội duy nhất khi đại dịch bùng phát là mọi người sử dụng thanh toán điện tử nhiều hơn. Khi Covid-19 xuất hiện tại Ấn Độ, lượng người dùng PhonePe tăng 50%", Karthik Raghupathy, trưởng bộ phận chiến lược và quan hệ đầu tư tại PhonePe, dịch vụ thanh toán của sàn thương mại điện tử Flipkart cho biết.
Khách hàng rất thích khoe smartphone và quét mã QR để thanh toán
Ranjan Patel, chủ hộ kinh doanh hạt cau tại làng Bakharia, bang Bihar (Ấn Độ)
Theo S&P Global, PhonePe đang có khoảng 165 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, chiếm 48% thị phần thanh toán di động tại Ấn Độ. Tỷ lệ trên của Google là 40%, còn Paytm (công ty thanh toán di động nội địa) là gần 9%.
Theo số liệu công bố vào tháng 4 của công ty thanh toán ACI Worldwide, Ấn Độ có 48,6 tỷ lượt thanh toán điện tử trong năm 2021, hơn gấp đôi so với Trung Quốc, dự kiến đạt mốc 200 tỷ vào năm 2026. Giá trị trung bình của các giao dịch thanh toán tại Ấn Độ là 80 USD, thấp hơn so với 2.300 USD của Trung Quốc và gần 8.000 USD tại Mỹ.
Chính sách khiến các dịch vụ lỗ nặng
Là thị trường tiềm năng, tuy nhiên giới nhà phân tích cho rằng những dịch vụ thanh toán di động tại Ấn Độ đang lỗ nặng. Một phần nguyên nhân đến từ hướng phát triển hệ thống thanh toán dựa vào National Payments Corporation of India (NPCI), tổ chức phi lợi nhuận chuyên quản lý các dịch vụ, giao dịch thanh toán tại Ấn Độ. Trong khi đó, công nghệ thanh toán tại Mỹ và Trung Quốc thường dựa vào các công ty tư nhân.
Năm 2016, NCPI công bố Unified Payments Interface (UPI), nền tảng hợp nhất cho mọi ứng dụng thanh toán. Chính phủ của ông Modi đã khuyến khích người dân làm thẻ căn cước sinh trắc học, mỗi hộ gia đình có ít nhất một tài khoản ngân hàng để cấp dữ liệu cho UPI.
Một cửa hàng tại Ấn Độ chấp nhận thanh toán bằng dịch vụ PhonePe. Ảnh: Bloomberg. |
Đến năm 2017, khoảng 80% người trưởng thành tại Ấn Độ sở hữu tài khoản ngân hàng, tăng mạnh so với mức 35% của năm 2011. Trong khi đó, lượng người dùng smartphone đã tăng lên 750 triệu, theo thống kê của Deloitte.
Nền tảng UPI cho phép các ứng dụng tương tác với nhau. Những giao dịch được xác thực bằng cách quét mã QR gắn với cá nhân hoặc doanh nghiệp, hoạt động trên mọi ứng dụng thuộc hệ thống UPI. Trong 2 năm qua, tổng người dùng các app của UPI tăng 85%, đạt mức 250 triệu. Hơn 300 ngân hàng và 24 ứng dụng thanh toán tại Ấn Độ sử dụng nền tảng UPI.
Theo WSJ, khả năng đồng bộ giao dịch, dữ liệu khiến các dịch vụ thanh toán thuộc UPI phải tìm cách giữ chân người dùng bằng chiết khấu và ưu đãi, cung cấp những kiến thức cơ bản về thanh toán di động.
Gần 90% thị trường bán lẻ, trị giá 900 tỷ USD của Ấn Độ được kiểm soát bởi các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hiếm khi chấp nhận thanh toán thẻ bởi họ phải trả phí từ 3-4% cho mỗi giao dịch. Từ khi chính phủ Ấn Độ yêu cầu miễn phí giao dịch với nền tảng UPI vào năm 2020, nhiều gia đình kinh doanh đã chấp nhận hình thức thanh toán mới mẻ này.
Đó cũng là trở ngại khiến các dịch vụ thanh toán khó kiếm lời. Vào đầu năm, một số dịch vụ đã yêu cầu chính phủ bỏ chính sách miễn phí giao dịch, cho rằng chúng gây thiệt hại hơn 700 triệu USD cho toàn ngành. Giới phân tích dự đoán cần vài năm để các công ty thanh toán kiếm được lợi nhuận tại Ấn Độ, chưa kể lượng tiền phải "đốt" để cạnh tranh với Google và Walmart.
Cửa hàng rau củ tại Mumbai cho phép thanh toán bằng Google Pay. Ảnh: Bloomberg. |
Sampath Sharma Nariyanuri, nhà phân tích của S&P Global Market Intelligence cho biết về lâu dài, các công ty thanh toán có thể kiếm lời bằng cách mở rộng loại hình kinh doanh.
Hiện tại, PhonePe chạy quảng cáo bảo hiểm trên TV, trong khi Google Pay cho phép người bán mở cửa hàng trực tuyến trong ứng dụng. Paytm cũng đang chờ chính phủ Ấn Độ cấp giấy phép bán bảo hiểm.
"Khách hàng rất thích khoe smartphone và quét mã QR để thanh toán", Ranjan Patel, chủ tiệm bán hạt cau tại làng Bakharia, bang Bihar chia sẻ. Với dân số khoảng 1.500 người, hầu hết cửa hàng kinh doanh tại làng này đều dán mã QR để thanh toán bằng điện thoại.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nguoi-an-xin-tai-an-do-kiem-tien-gap-doi-nho-ma-qr-a17062.html