Cuối tháng 4, cửa hàng Self Service Repair của Apple đã được mở cho người dùng muốn tự thay linh kiện iPhone thay vì mang ra trung tâm bảo hành. Chương trình được giới thiệu vào tháng 11/2021 sau phong trào "quyền sửa chữa" (right to repair), người ủng hộ vận động chính phủ thay đổi luật, khuyến khích nhà sản xuất cung cấp linh kiện để tự sửa thiết bị công nghệ.
Cây viết Brian X. Chen của New York Times đã sử dụng dịch vụ để thay pin cho chiếc iPhone 12 của anh. Sau khi cọc 1.210 USD và nhận bộ công cụ nặng hơn 34 kg, mọi thứ diễn ra không suôn sẻ khi Chen vô tình làm hỏng màn hình. Việc làm quen dụng cụ cũng không hề đơn giản với những người ít kinh nghiệm sửa thiết bị công nghệ.
Đặt linh kiện, cọc tiền thuê dụng cụ
Đầu tiên, Chen truy cập trang Self Service Repair của Apple để tìm tài liệu hướng dẫn sửa chữa iPhone 12, sau đó đặt các linh kiện cần thiết. Quy trình thay pin được liệt kê khá đơn giản: bật máy rã keo để tách màn hình, tháo ốc và pin, dùng thiết bị khác để lắp pin mới, gắn mọi thứ trở lại rồi dùng máy cố định các bộ phận.
Chiếc vali chứa các dụng cụ để sửa iPhone do Apple gửi đến. Ảnh: New York Times. |
Về chi phí, Chen tốn 49 USD để thuê dụng cụ trong một tuần, 69 USD cho viên pin, 2 USD mua keo, 0,15 USD cho ốc vít và 1.210 USD tiền cọc trong thẻ tín dụng cho bộ dụng cụ. Sau 7 ngày, người dùng phải trả lại dụng cụ cho Apple, có thể gửi viên pin cũ để được hoàn 24 USD.
Bộ dụng cụ và linh kiện được chuyển đến Chen sau vài ngày. So với kit thay thế bán trên iFixit, các thiết bị của Apple là thiết bị được sử dụng bởi kỹ thuật viên chuyên nghiệp tại các trung tâm bảo hành. Bên trong các vali của Apple gồm 3 chiếc máy khác nhau.
Do không quen cách dùng, Chen liên hệ người quen để thử với mẫu iPhone 12 bị hỏng. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, quy trình sửa chữa trên chiếc iPhone 12 thật được Chen mô tả bằng 2 chữ "ác mộng".
Quy trình "ác mộng"
Lặp lại quy trình thành công trước đó, Chen đặt chiếc iPhone 12 lên khung rồi cho vào máy gia nhiệt để rã lớp keo quanh màn hình. Sự cố đầu tiên xảy ra khi Chen quên tháo 2 con ốc bên dưới điện thoại. Đến bước này, màn hình trông vẫn bình thường.
Quy trình tiếp theo để thay pin diễn ra bình thường. Sau khi gắn pin mới, Chen sử dụng thiết bị cố định pin và lớp keo vào thân máy. Tiếp theo, đặt iPhone vào chiếc máy thứ 3 để ép màn hình vào khung, làm nóng keo để đảm bảo tính năng kháng nước hoạt động bình thường.
Chiếc máy gia nhiệt để rã lớp keo bao quanh màn hình của iPhone. Ảnh: New York Times. |
Sau khi gắn mọi bộ phận, Chen bật nguồn điện thoại. Tuy nhiên, màn hình bị hỏng khi chỉ hiện các sọc trắng nhấp nháy, nguyên nhân do quên tháo 2 con ốc khi đặt vào máy rã keo. Rất may khi người quen của Chen có sẵn nhiều màn hình dự phòng nên đã thay cho anh.
Mọi thứ chưa dừng lại bởi sau khi bật nguồn, thiết bị hiện cảnh báo pin và màn hình không chính hãng. Trong khi viên pin được đặt trên website của Apple, màn hình cũng là hàng chính hãng lấy từ chiếc iPhone khác.
Theo hướng dẫn của Apple, người dùng dịch vụ tự sửa chữa iPhone cần liên hệ kỹ thuật viên để xác thực linh kiện chính hãng. Trong lúc hỗ trợ, kỹ thuật viên yêu cầu Chen cắm sạc điện thoại, bấm giữ 3 nút để khởi động vào chế độ chẩn đoán.
Tuy nhiên, không có gì xảy ra dù Chen đã bấm nhiều lần. Đến khi anh tìm thấy hướng dẫn khác trên Internet, điện thoại mới vào được chế độ cần thiết. Khoảng 30 phút sau, thông báo pin không chính hãng đã biến mất.
Người dùng vẫn nên đến trung tâm bảo hành
Theo Chen, chương trình tự sửa iPhone của Apple không thực tế với hầu hết người dùng khi tổng chi phí thay pin là 96 USD, cao hơn so với 69 USD nếu đến trung tâm bảo hành. Các dụng cụ khó sử dụng và nếu không đọc kỹ hướng dẫn, người dùng có thể làm hỏng những linh kiện đắt tiền như màn hình.
Quy trình tự sửa chữa iPhone không quá thân thiện với hầu hết người dùng. Ảnh: New York Times. |
Các thợ sửa iPhone độc lập có thể hưởng lợi từ chương trình của Apple khi được tham khảo tài liệu hướng dẫn, đặt mua dụng cụ chính hãng. Dù vậy, chương trình này chưa đi đúng mục tiêu mà phong trào "quyền sửa chữa" hướng đến khi vẫn còn giới hạn nhiều yếu tố, bao gồm yêu cầu nhập số serial hoặc IMEI mới mua được linh kiện.
Bản thân Apple cũng không khuyến khích người dùng tự sửa iPhone. "Với đa số khách hàng, giải pháp sửa chữa an toàn, đáng tin cậy nhất vẫn thông qua Apple Store... Việc sửa chữa thiết bị điện tử phức tạp, có tính tích hợp cao và nhỏ gọn không hề đơn giản", Táo khuyết cho biết trong thông báo ra mắt chương trình Self Service Repair.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/kho-so-khi-tu-thay-pin-cho-iphone-a17006.html