Đẩy nhánh quá trình cải tạo chung cư cũ
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.
Văn bản của Bộ Xây dựng nêu, vừa qua, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Sau đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong hai năm 2022 - 2023.
Đáng chú ý, Chính phủ dành 15.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023 để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và dự án cải tạo, xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư cũ.
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, đồng thời để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão năm 2022, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị địa phương thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ trên địa bàn, lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại, đưa vào kế hoạch để triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Đồng thời khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.
Địa phương cần ban hành các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, làm cơ sở cho các nhà đầu tư căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án của mình để tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, cần lập phương án, dự kiến các địa điểm để bố trí chỗ ở tạm thời phục vụ xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Ban hành hệ số K bồi thường tại các khu vực, vị trí có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để người dân biết khi tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi đến các cấp, ngành, người dân đang sinh sống tại những khu vực có nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để tạo sự đồng thuận, thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân. Đây chính là những yếu tố làm cơ sở để triển khai nhanh chóng, thuận lợi các cơ chế, chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69.
Hà Nội có khối lượng chung cư cũ lớn nhất cả nước
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay, tại các đô thị trên cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống. Trong đó, Hà Nội có khối lượng nhà lớn nhất với 1.579 chung cư cũ.
Theo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn đợt 1, Hà Nội cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư (có nhà nguy hiểm cấp D). Cụ thể tại quận Ba Đình có khu tập thể Giảng Võ (nhà C8); khu tập thể Thành Công (Nhà G6A); khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A); khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D); nhà 148-150 Sơn Tây. Quận Đống Đa có nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.
Thành phố yêu cầu UBND quận Ba Đình, UBND quận Đống Đa có trách nhiệm di dời người dân khỏi các tòa nhà trong quý I/2022.
Trước đó, từ năm 2005-2014, Hà Nội đã hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai. Từ năm 2014, sau khi Luật ở nhà 2014, Nghị định 100/2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay không có dự án mới nào được bổ sung thêm, tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả. Có thể thấy, sau gần 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 căn chung cư cũ của thành phố.
UBND Tp.Hà Nội dự kiến bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, VietNamNet)
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/bo-xay-dung-hoi-thuc-kiem-dinh-lap-danh-muc-chung-cu-cu-phai-pha-do-a16070.html