"Giải cứu" trường mầm non tư thục: Cần thêm chính sách hỗ trợ

Ngoài vốn vay ưu đãi, để “hồi sinh” các trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cần thêm nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ.

Mầm non ngoài công lập lao đao trong “bão” dịch

Trong hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Đặc biệt, với các cơ sở mầm non ngoài công lập, học phí không thu được nhưng vẫn phải chi tiền thuê nhà, phần nào hỗ trợ lương và đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đứng trước những khó khăn, áp lực, nhiều trường tư thục và nhóm lớp độc lập đã buộc phải giải thể.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, tính đến đầu tháng 4/2022, thành phố có 8 trường mầm non ngoài công lập giải thể (chiếm tỉ lệ 2,2%) và 56 nhóm lớp giải thể (chiếm tỉ lệ 2%). Số trường mầm non có nguy cơ giải thể lớn hơn gấp nhiều lần, với 836 trường (chiếm tỉ lệ 30%). Còn tại Tp.HCM, sau đại dịch, có 22 trường mầm non và hơn 90 nhóm lớp mầm non bị giải thể do hết sức chống chịu.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non tư thục phải giải thể. Kể từ đó đến nay, do học sinh khối mầm non ở nhiều địa phương chưa thể đến trường nên số cơ sở mầm non ngoài công lập làm thủ tục giải thể vẫn tiếp tục tăng.

Tới đây, khi trường học mở cửa trở lại, sự thiếu hụt các trường mầm non tư thục sẽ tạo áp lực không nhỏ cho hệ thống giáo dục.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục hiện đảm nhiệm việc nuôi dạy cho 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường. Có 90.500 người lao động đang làm trong hệ thống này với hơn 19.000 cơ sở, trong đó bao gồm cả trường mầm non và các nhóm trẻ. Kết quả rà soát của Bộ cũng cho thấy, có 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng, 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.

Việc nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, rao bán đã dẫn đến nguy cơ 1,2 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non không có chỗ học.

Trong khi đó, về phía cơ sở giáo dục, chi phí mặt bằng là một trong những gánh nặng lớn. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, cô Thái Hồng, hiệu trưởng một cơ sở mầm non ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho biết có 2 cơ sở mầm non, mỗi cơ sở đầu tư ban đầu trên dưới 1 tỷ đồng. Nhưng sau 10 tháng liên tục phải đóng cửa, cô Hồng và gia đình đã phải quyết định giải thể một cơ sở.

"Tiền thuê mặt bằng là 30 triệu/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chủ cho thuê giảm cho 50% để duy trì. Đầu năm 2022, mức giảm này rút đi, chúng tôi phải chi trả 70% chi phí. Hy vọng sau Tết Nhâm Dần có thể mở lại được nhưng đây lại là thời điểm dịch ở Hà Nội dâng cao nhất cả nước nên hy vọng lần nữa lại tiêu tan. Tôi đã thế chấp nhà vay vốn ngân hàng để trả tiền mặt bằng của một cơ sở, còn một cái khác phải chấp nhận giải thể".

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thanh Huyền, chủ hệ thống mầm non Ong Việt (Hà Nội), cũng đã phải quyết định giải thể một trong hai cơ sở vì sắp khánh kiệt. Theo chị Huyền, tiền thuê mặt bằng mỗi cơ sở là 22 triệu đồng/tháng.

"Đã được giảm 50% trong thời gian trường mầm non đóng cửa nhưng một năm, tiền thuê mặt bằng cũng tốn trên 100 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ tháng đầu, cơ sở cũng không có tiền trả lương cho giáo viên nên hiện tại chỉ còn hai giáo viên bám trụ, số còn lại đã đi kiếm việc khác. Đồ dùng, bàn ghế hư hỏng hết. Tình trạng này nếu có mở lại cũng không có kinh phí để mua sắm, sửa sang và trả lương cho giáo viên, nhân viên khi cố giữ cả hai cơ sở", chị Huyền cho hay.

Chính sách - 'Giải cứu' trường mầm non tư thục: Cần thêm chính sách hỗ trợ

Đại dịch Covid-19 khiến không ít giáo viên mầm non phải kiếm việc khác để mưu sinh. Ảnh minh họa.

Không chỉ các trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, giáo viên của hệ thống này cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Cô Hoàng Thúy Hằng, quản lý hệ thống mầm non Happy Time (Hà Nội), cho biết đại dịch khiến phần lớn giáo viên phải kiếm việc khác để mưu sinh. Có người chỉ làm tạm thời, rồi chờ ngày quay lại trường, nhưng nhiều người tìm được công việc có thu nhập cao hơn nên đã nghỉ hẳn.

Tuy vậy, điều khiến nhiều giáo viên mầm non ra đi không chỉ vì thu nhập tốt hơn, mà đại dịch khiến họ quá sợ hãi một cuộc sống bấp bênh, bất an. “Với giáo viên mầm non tư thục, trường đóng cửa là họ thất nghiệp. Những khoản hỗ trợ ít ỏi không thể giúp họ bảo đảm cuộc sống”, cô Hằng nêu thực tế với báo Đầu tư.

Cô Nguyễn Thị Ly, chủ nhóm trẻ độc lập tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng bày tỏ: “Cơ sở của tôi chỉ còn một nửa giáo viên bám trụ lại, đời sống của các cô vô cùng khó khăn và chưa đi vào ổn định. Tôi thực sự rất áy náy với giáo viên và cũng lo sợ họ dứt áo ra đi bất cứ lúc nào.

Hiện tại, tôi rất mong nhận được sự đồng hành, giúp đỡ từ các cấp, đặc biệt có thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non tư thục để họ không phải bỏ nghề. Nếu giáo viên được hỗ trợ, họ sẽ có thêm động lực để cố gắng trụ lại với nghề”.

Giải pháp gỡ khó

Nhằm khắc phục phần nào khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định về tín dụng cho các trường mầm non, tiểu học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn.

Theo quyết định, mức vốn cho vay tối đa là 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục và tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Mức lãi suất là 3,3%/năm (tương đương với 0,27%/tháng) là mức lãi suất ưu đãi cao nhất đối với các tổ chức đang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Nguồn vốn cho vay theo quyết định này tối đa 1.400 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Thời gian giải ngân nguồn vốn cho vay không vượt quá thời điểm ngày 31/12/2023 hoặc thời điểm hết nguồn vốn cho vay, tùy theo điều kiện nào đến trước.

Theo quyết định trên, sẽ có trên 3.200 trường mầm non, tiểu học và trên 12.300 cơ sở giáo dục mầm non độc lập trong diện được hưởng thụ chính sách.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp cùng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Mức dự kiến tham mưu là hỗ trợ 3,7 triệu đồng/giáo viên.

“Tôi rất thấu hiểu, sẻ chia với các giáo viên mầm non nói chung và giáo viên mầm non ngoài công lập nói riêng. Các cô đều rất yêu nghề nhưng do dịch bệnh, trường học đóng cửa phải tìm kế sinh nhai khác. Tôi mong rằng khi trường học mở cửa, các cô sẽ sắp xếp để quay trở lại trường học, khó khăn chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua.

Những nỗ lực tham mưu của Bộ GD&ĐT, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ dù chưa có thể giúp các nhà trường, giáo viên khắc phục ngay khó khăn, song đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tôi mong rằng sự quan tâm này sẽ là nguồn động lực cho các nhà trường và các giáo viên vượt qua được giai đoạn khó khăn này”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chia sẻ.

Kịp thời nhưng chưa đủ

Mặc dù chính sách tín dụng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn của hệ thống giáo dục mầm non tư thục, tuy nhiên, để tiếp tục vận hành và duy trì hoạt động như trước đây, các cơ sở vẫn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ.

Cô Nguyễn Thị Hiếu, chủ cơ sở Mầm non Golden Kids (Long Biên, Hà Nội), cho biết, với hạn mức cho vay là 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập như mô hình của cô đang gây dựng thì chưa đủ chi phí vận hành trong 1 tháng.

“Tiền lương giáo viên một tháng cũng ngót nghét cả trăm triệu đồng. Khi trường lớp hoạt động trở lại, chúng tôi phải sửa sang cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng học tập, thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh, chưa kể tiền thuê mặt bằng. 80 triệu là sự giúp đỡ của Chính phủ, chúng tôi rất biết ơn và trân trọng. Nhưng, tôi vẫn hy vọng trong thời gian tới được nâng hạn mức cho vay vì số tiền đó vẫn chưa giải quyết được nhiều so với những khó khăn chúng tôi phải trải qua”, cô Hiếu chia sẻ với Lao Động.

Bên cạnh việc được vay vốn lãi suất ưu đãi, anh Việt Anh, chủ cơ sở mầm non tư thục BBMC Home School (Lào Cai), bày tỏ mong muốn được hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay tín dụng của các chủ nhà thế chấp tài sản cho ngân hàng là địa điểm trường học. Điều này giúp các chủ trường tập trung nguồn vốn để hồi phục kinh tế, gây dựng và vận hành lại các cơ sở.

Minh Hoa (t/h)

 

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/giai-cuu-truong-mam-non-tu-thuc-can-them-chinh-sach-ho-tro-a15957.html