Trúng đấu giá biển số đẹp, người dân có được bán?

(NLĐO)- Theo đại diện Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo sẽ xem xét, nghiên cứu quyền hạn của người trúng đấu giá biển số ôtô đến đâu.

Ngày 27-4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, đã trả lời một số nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, do Bộ Công an soạn thảo.

Theo bà Mai, việc đấu giá sử dụng biển số ôtô hiện nay không có vướng mắc gì. Hiện, Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản đã quy định về các loại tài sản được đưa ra đấu giá.

Đại diện Bộ Tư pháp nói về đề xuất đấu giá sử dụng biển số xe ôtô

"Nếu coi biển số xe là một loại tài sản thì pháp luật chuyên ngành phải quy định về bán đấu giá. Thay cho việc bấm chọn ngẫu nhiên như hiện nay thì sẽ đấu giá theo trình tự thủ tục của Luật Đấu giá tài sản" - bà Nguyễn Thị Mai cho hay.

Về băn khoăn người trúng đấu giá biển số xe ôtô có được phép mua bán, chuyển nhượng hay không, bà Mai cho biết, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng nghị quyết của Quốc hội về đấu giá biển số xe, trong đó sẽ nghiên cứu quyền của người đấu giá được giao đến đâu.

Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cho biết Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan về dự thảo Nghị quyết. "Dưới góc độ pháp luật, việc chuyển nhượng biển số xe đang có vướng quy định tại Luật Giao thông đường bộ khi cấm việc mua bán chuyển nhượng biển số xe. Do đó, Bộ Công an phải xây dựng nghị quyết của Quốc hội, việc giải quyết như thế nào sẽ nằm trong Nghị quyết, khi đó mới giải quyết được vấn đề quyền hạn của người trúng đấu giá biển số xe đến đâu" - bà Mai nhấn mạnh.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã đưa tin, Bộ Công an đang lấy ý kiến của người dân với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về "Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá" trong vòng 2 tháng, từ ngày 22-4. Theo Bộ Công an, hiện nay nhiều người có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích, thường gọi là "biển số đẹp" tùy theo quan niệm của từng người.

Dự thảo nêu rõ, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá có thể tùy chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá để tham gia. Không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Giá khởi điểm biển số ôtô được đưa ra đấu giá tại Hà Nội, TP HCM bằng 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất áp dụng, các địa phương còn lại bằng 10 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng. Như vậy, với đề xuất trên và theo quy định hiện hành, giá khởi điểm một biển số tại Hà Nội và TP HCM sẽ là 40 triệu đồng, vì mức lệ phí đăng ký xe tại 2 địa phương này là 20 triệu đồng.

Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở đối với tổ chức, doanh nghiệp hoặc nơi đăng ký thường trú đối với cá nhân. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện.

Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác do mình sở hữu. Nếu thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá. Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá.

Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật như xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu theo quy định. Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/trung-dau-gia-bien-so-dep-nguoi-dan-co-duoc-ban-a15586.html