Làm sao rửa điện thoại sạch sẽ nhất?

Chúng ta thường rửa tay sau khi đi vệ sinh, nhưng lại không rửa tay sau khi chạm vào màn hình điện thoại, vốn có nhiều vi khuẩn hơn cả bồn cầu.

Trong nghiên cứu thực hiện năm 2012, các nhà khoa học thuộc Đại học Arizona (Mỹ) khẳng định những chiếc iPhone hay smartphone Android bạn đang cầm trên tay chính là ổ vi khuẩn lớn nhất, thậm chí là mang nhiều vi khuẩn gấp 10 lần so với bồn cầu trong nhà vệ sinh.

Những thiết bị này sẽ càng trở nên mất vệ sinh khi người dùng không rửa tay trước khi sử dụng điện thoại hoặc mang điện thoại vào toilet. Nghịch lý nằm ở việc mọi người thường rửa tay sau khi chạm phải những bề mặt không sạch sẽ, nhưng chẳng ai lại làm vậy sau khi cầm điện thoại.

Rửa sạch với nước

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên rửa điện thoại của mình như khi rửa tay hay không? Điều này sẽ còn phụ thuộc vào dòng điện thoại bạn đang sở hữu.

Cach ve sinh smartphone anh 1

Người dùng nên kiểm tra khả năng chống nước của điện thoại trước khi vệ sinh. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều smartphone hiện đại được các nhà sản xuất quảng cáo là được trang bị khả năng chống nước, nhưng họ lại không đả động gì đến khả năng chống thấm của chúng. Sự thật là các thiết bị điện tử khác nhau sẽ có giới hạn chịu đựng khác nhau.

Nếu được giới thiệu là chống nước, smartphone của bạn có thể đạt chuẩn như IP68 hay IP67. Trong đó, chữ số thứ 2 thể hiện khả năng chống nước xâm nhập của thiết bị. Số 7 có nghĩa là chịu được bị ngâm trong nước tối đa 1 m, còn số 8 có nghĩa là chịu được áp lực nước ở độ sâu trên 1 m.

Hãy kiểm tra thông tin về tiêu chuẩn IP của điện thoại trên website của nhà sản xuất. Nếu hãng viết IP67 hoặc IP68, bạn hoàn toàn có thể rửa nhanh điện thoại bằng xà phòng như bình thường, không ngâm trong nước quá lâu.

Lau chùi bằng cồn

Cồn thường được sử dụng để vệ sinh các bề mặt. Do đó, người dùng thường lau điện thoại cảm ứng bằng các dung dịch có chứa cồn. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có an toàn hay làm hỏng màn hình điện thoại hay không?

Cụ thể, hai hãng công nghệ lớn Apple và Samsung khuyến cáo người dùng nên dùng cồn isopropyl 70% để sát khuẩn điện thoại. Tuy nhiên, nhiều người lại lo ngại hóa chất trong dung dịch này sẽ làm hỏng một lớp dầu đặc biệt trên màn hình cảm ứng.

Cach ve sinh smartphone anh 2

Vệ sinh bằng cồn không gây hại đến điện thoại như nhiều người nghĩ. Ảnh: Getty Images.

Theo How-to Geek, lớp dầu này tróc dần trong khi sử dụng hàng ngày và sử dụng cồn để vệ sinh điện thoại sẽ đẩy nhanh tốc độ của quá trình này. Dù vậy, điều đó chỉ diễn ra nếu người dùng lau điện thoại quá thường xuyên. Nếu chỉ sát trùng 1 lần/tuần, cồn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thiết bị.

Ngoài màn hình cảm ứng, những thành phần khác của điện thoại hoàn toàn an toàn trước các dung dịch có chứa cồn. Song, người dùng cũng cần lưu ý về khả năng chống nước của điện thoại trước khi lau chùi vì cồn có thể xảy ra phản ứng hóa học với một số linh kiện làm bằng nhựa bên trong điện thoại.

Khử trùng điện thoại bằng tia cực tím

Một lựa chọn khác khi muốn vệ sinh điện thoại là sử dụng tia cực tím. Phương pháp này không cần đến các dung dịch hay yêu cầu người dùng phải chùi rửa nhưng vẫn có thể tiêu diệt và khử trùng vi khuẩn chỉ trong vòng vài phút.

Thị trường hiện nay có rất nhiều bộ dụng cụ làm sạch bằng tia cực tím. Người dùng chỉ cần đặt chiếc điện thoại vào bên trong hộp, bật đèn UV. Việc còn lại là để điện thoại "tắm" trong tia UV. Sau khi đèn báo hiệu tắt, điện thoại của bạn đã được khử trùng sạch sẽ, sẵn sàng để sử dụng.

Cach ve sinh smartphone anh 3

Nhược điểm của phương pháp này là đắt đỏ. Ảnh: Mophie.

Tuy nhiên, cách vệ sinh này có một nhược điểm là khá đắt. Người dùng có thể phải chi khoảng 100 USD cho một bộ dụng cụ tia cực tím phù hợp với điện thoại của mình. Tuy nhiên, khi xét về lâu về dài, cách vệ sinh bằng tia cực tím sẽ an toàn với điện thoại hơn so với rửa bằng nước hay cồn.

How-to Geek cho rằng dù người dùng chọn phương pháp nào, điều quan trọng nhất vẫn là thường xuyên vệ sinh smartphone vì nó là bề mặt chúng ta tiếp xúc thường xuyên nhất mỗi ngày.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/lam-sao-rua-dien-thoai-sach-se-nhat-a15482.html