Sáng 3/10 (giờ địa phương), bảy ngày sau khi Phi Nhung qua đời ở tuổi 51, con gái chị lập bàn thờ tại chùa để các đồng nghiệp viếng. Buổi lễ diễn ra đơn giản với những người thân thiết của gia đình.
Thanh Thảo cho biết suốt lễ viếng, Wendy ít nói, ngơ ngác nhìn đồng nghiệp của mẹ. Ca sĩ nói: "Tôi nghĩ đến việc con gái Phi Nhung không được gặp mẹ lần cuối vì xa cách địa lý lại thấy đau lòng". Vài ngày trước, trên trang cá nhân, Wendy bày tỏ mong muốn được nhận thi hài mẹ từ Việt Nam để tổ chức lễ tang. Hiện ê-kíp Phi Nhung và Việt Hương đang cố gắng lo thủ tục đáp ứng nguyện vọng Wendy, nhưng chưa có thông tin cụ thể.
Trizze Phương Trinh đeo khăn tang, xúc động khi nhìn di ảnh của đồng nghiệp thân thiết. Trên trang cá nhân, chị viết: "Một cô gái chất phác quê mùa ngày nào không ai biết đến, giờ đây có khán giả khắp mọi nơi đau buồn vì sự ra đi của cô ấy. Cuộc sống này tuy có bất công với em nhưng em phải vui vì tình yêu thương mà em đang nhận được từ mọi người. An nghỉ em nhé, em có thể cười tươi được rồi". Những ngày qua, chị hỗ trợ con gái Phi Nhung làm lễ cầu siêu tại chùa ở Mỹ.
Hoa hậu Thu Hoài mua bó hoa hồng trắng, thắp hương, tiễn biệt ca sĩ. "Nhìn di ảnh Phi Nhung với nụ cười tươi, đẹp, tôi không nghĩ chị ấy đã đi rồi", Thu Hoài nói.
Sáng 4/10, ở Việt Nam, gia đình cũng cúng thất ca sĩ. Buổi lễ tưởng niệm - dự định tổ chức tại Tu viện Khánh An, quận 12 - phải hủy để đảm bảo an toàn chống dịch, thay bằng lễ cầu siêu, khán giả theo dõi trực tuyến.
* Đồng nghiệp viếng Phi Nhung
Những ngày qua, nghệ sĩ trong và ngoài nước tưởng nhớ Phi Nhung bằng nhạc và thơ. Bạch Tuyết cho biết chọn Cát bụi - ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn - như một lời tiễn đưa giọng ca bà yêu thích trong mảng nhạc trữ tình, quê hương. Trong MV, bà lồng ghép những phân cảnh của Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) - vở cải lương đôi nghệ sĩ đóng chung tại TP HCM đầu năm 2018. Hôm 28/9, hay tin Phi Nhung qua đời, Bạch Tuyết lặng người một lúc lâu rồi ngâm câu thơ: "Người đi, ừ nhỉ, người đi thật".
Sau khi nghe tin Phi Nhung qua đời, nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn ngồi vào đàn sáng tác tại chỗ ca khúc Hẹn em cõi bình an. Ngày hôm sau, nỗi tiếc nuối còn đầy ắp, anh viết tiếp bài Bình yên em nhé. "Thương em ấy là một người tốt. Tôi chỉ biết dùng âm nhạc để thể hiện sự tiếc thương", anh nói.
Nhạc sĩ Quốc Vũ - anh trai Hồng Ngọc - viết ca khúc Khóc Nhung tưởng nhớ đàn em. Anh cho biết bật khóc giữa phòng thu vì thương chị, dòng cảm xúc cứ thế tuôn ra thành lời. Ca sĩ Nguyên Vũ thể hiện ca khúc Sinh ly biệt (nhạc sĩ Long Họ Huỳnh), nghệ sĩ Châu Thanh viết đoạn ca cổ tiễn biệt Phi Nhung. Khi nghe tin ca sĩ qua đời, nhạc sĩ Quốc Bảo trích đăng ca khúc Nhung ca anh từng viết tặng chị.
Cây bút Lương Đình Khoa sáng tác bài thơ tập hợp từ tựa đề những nhạc phẩm làm nên tên tuổi cố ca sĩ, như Chiều lên bản Thượng, Sông quê, Căn nhà màu tím... Anh yêu nhạc Phi Nhung từ 25 năm trước, lúc còn học cấp hai. Khi ấy, anh hay nghe qua các băng chạy đài, thi thoảng bị rối dây, phải gỡ ra cuộn lại để nghe tiếp. "Hồi đó là Mấy nhịp cầu tre, Hận tha la, rồi sau này là một loạt những ca khúc trữ tình khác. Không ít thế hệ đã lớn lên cùng giọng hát Phi Nhung...", anh cho biết.
"Khép lại rồi giấc mơ chiều bản Thượng
Sơn nữ xa như gió cuốn mây ngàn
Căn nhà màu tím cô đơn
Sông quê vỗ bóng hoàng hôn đắng chiều
Thương thành phố "ốm" bao nhiêu
Tạm dừng về Mỹ, dân nghèo sẻ chia
Bếp ăn thắp lửa tâm từ
Nâng niu từng bữa sớm trưa tận lòng
Câu hò chợt tắt bên sông
Giấu trong tháng 9 nghẹn lòng từ ly...".
Mạnh Quỳnh viết bài thơ ôn lại tình bạn hai thập kỷ với Phi Nhung. Anh ký thác những dòng tình cảm chưa kịp giãi bày với người bạn tri kỷ:
"Nhang lòng tôi thắp tiễn bạn đi
Đêm này rồi mãi mãi phân ly
Cố nở nụ cười cho bớt luỵ
Sao lệ tuông trào mắt se cay!".
Phi Nhung qua đời vào 12h15 trưa 28/9. Hồi tháng 8, ca sĩ đi từ thiện về và bị cảm. Ca sĩ xét nghiệm RT-PCR cho kết quả dương tính với nCoV. Giữa tháng 8, chị nhập viện tại Bệnh viện Gia An 115, sau đó chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, điều trị ở khoa Hồi sức tích cực đến khi mất. Gia đình tiết lộ theo hồ sơ bệnh án, trong hơn một tháng nằm viện chống chọi Covid-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Phi Nhung có kết quả hai lần âm tính vào ngày 14 và 22/9. Vì thế, có lúc, gia đình tưởng như chị có thể vượt qua.
Chị sinh năm 1970, quê ở Gia Lai. Năm 1989, chị sang Mỹ, đi hát từ thiện tại chùa và thành công ở làng ca nhạc hải ngoại. Năm 2005, Phi Nhung về nước, vẫn theo đuổi dòng nhạc quê hương. Giọng ca Bông điên điển nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi.
Tâm Giao - Tam Kỳ
Đồng nghiệp khóc Phi Nhung Đồng nghiệp viếng Phi Nhung Tâm nguyện Phi Nhung dành cho con gái 'Hai ơi! đừng qua sông' - bản thu cuối của Phi Nhung
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/con-gai-cung-that-cho-phi-nhung-a1385.html