Người lao động có thể làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua phương án tăng giờ làm của người lao động để đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định sản xuất hậu Covid-19.

Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến là về thời giờ làm thêm trong 1 tháng. Trong báo cáo giải trình tiếp thu, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ có 2 loại ý kiến về nội dung này.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm giờ lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà chưa cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục, đề nghị chỉ nên nâng trần không quá 40 giờ lên không quá không quá 60 giờ.

Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.

Loại ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Do còn hai loại ý kiến khác nhau, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên UBTVQH về hai phương án này. Kết quả: 13/18 ý kiến tán thành phương án 1 và 5/18 ý kiến tán thành phương án 2.

Chính sách - Người lao động có thể làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng

Việc tăng giờ làm giúp đảm bảo phục hồi kinh tế hậu Covid-19 (Ảnh: TTXVN)

Trên cơ sở kết quả biểu quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tiếp thu ý kiến của đa số thành viên UBTVQH và thể hiện Điều 2 của dự thảo theo hướng: Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Về việc mở rộng đối tượng làm thêm giờ trong 1 năm không quá 300 giờ (Điều 1), tiếp thu ý kiến của UBTVQH và đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chỉnh lý Điều 1 của dự thảo nghị quyết theo hướng bổ sung các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm theo Nghị quyết này gồm:

Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Đảm bảo lợi ích kinh tế và lợi ích lâu dài

Báo cáo thêm tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc đề xuất nâng giờ làm thêm căn cứ nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp.

Hơn nữa, thực tế do sức ép đơn hàng nên doanh nghiệp vẫn thỏa thuận trực tiếp với người lao động để tiến hành làm thêm, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội về hầu hết các nội dung.

Tuy nhiên, về thời giờ làm thêm, Bộ trưởng đề nghị cho giữ phương án nâng trần 72 giờ vì xuất phát từ thực tế khách quan, nếu chỉ nâng lên không quá 60 giờ thì "người lao động và doanh nghiệp mặt này mặt kia đồng tình nhưng đón nhận không có tâm tư hào hứng".

Chính sách - Người lao động có thể làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng (Hình 2).

Tăng giờ làm phải được sự đồng ý của người lao động

Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong suốt thời gian Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ xem xét dự thảo nghị quyết này, cá nhân Chủ tịch Quốc hội không nhận được văn bản nào của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới để đề nghị nâng trần thời gian làm thêm giờ trong một tháng lên đến 72 giờ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hiện nay, "hậu Covid-19" đang là vấn đề lớn đặt ra và không phải người lao động nào sau khi khỏi Covid-19 cũng có thể duy trì được trạng thái sức khỏe, tâm lý tốt để bắt tay ngay vào làm việc.

Do đó, chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần cân nhắc bảo đảm hài hòa lợi ích, giữa lợi ích trước mắt (về kinh tế) và lợi ích lâu dài (về sức khỏe của người lao động) trong giải quyết bài toán thiếu hụt lao động hiện nay.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 100% thành viên tán thành.

Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/nguoi-lao-dong-co-the-lam-them-khong-qua-60-gio-trong-1-thang-a13666.html