Thông tư 82/2021/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Theo đó, các đối tượng áp dụng gồm: doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, cảng cạn, ICD; hãng tàu, đại lý hãng tàu; cơ quan hải quan, công chức hải quan; người khai hải quan; cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Có 4 cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển gồm: hoạt động khai thác cảng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nằm ngoài khả năng khắc phục của cảng; hàng nhập khẩu tồn bãi đạt trên 90% dung lượng quy hoạch chất xếp hàng nhập khẩu của cảng biển; được Cảng vụ Hàng hải xác nhận về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc do tác động bởi đồng thời các yếu tố nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này; doanh nghiệp kinh doanh cảng biển có văn bản thông báo cho chi cục hải quan quản lý cảng biển nơi lưu giữ hàng hóa về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc kèm xác nhận của Cảng vụ Hàng hải.
Theo Thông tư, hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD để lưu giữ phải được khai báo trên Hệ thống E-manifest không thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo quy định tại Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ (trừ trường hợp hàng hóa được chuyển cửa khẩu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Ngoài ra, đây là hàng hóa nguyên container (không vận chuyển hàng rời) và là chưa được đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu. Ngoài ra, phải là hàng hóa không thuộc danh sách theo dõi, kiểm tra, xử lý theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển dừng thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu về cảng biển khác, cảng cạn, ICD khi số lượng container hàng nhập khẩu tồn bãi giảm xuống ở mức 90% dung lượng quy hoạch chất xếp container hàng nhập khẩu của cảng biển.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định cụ thế trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, cảng cạn, ICD. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 41 Luật Hải quan; chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu khi có sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng đã xác lập quyền sở hữu hàng hóa với hãng tàu/đại lý hãng tàu và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi đồng ý; toàn bộ lô hàng thuộc cùng một vận tải đơn, cùng thuộc một chủ hàng về cùng một cảng biển, cảng cạn, ICD để lưu giữ hàng hóa.
Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi thông báo địa điểm lưu giữ hàng hóa vận chuyển đến cho hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng; thống nhất với hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng về phương thức, thông tin trao đổi về hàng hóa trước khi vận chuyển hàng hóa; thực hiện thủ tục vận chuyển hàng hóa; báo cáo quyết toán bằng văn bản về tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa.
Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, cảng cạn, ICD nơi hàng hóa vận chuyển đến có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 41 Luật Hải quan; báo cáo quyết toán bằng về tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa đến.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của hãng tàu/đại lý hãng tàu. Cụ thể: tiếp nhận danh sách hàng hóa dự kiến chuyển đi cho doanh nghiệp kinh doanh cảng biển; phối hợp với doanh nghiệp. Với lô hàng nhập khẩu đã dỡ tại cảng, thực hiện khai, sửa thông tin cảng đích trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Với lô hàng thay đổi dỡ hàng do ùn tắc, thực hiện sửa thông tin dỡ hàng, cảng đích trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/giai-quyet-un-tac-tai-cang-bien-khi-thuc-hien-gian-cach-xa-hoi-a1299.html