Luật hoá việc bảo vệ lòng, bờ bãi sông tránh san, lấn

Cụ thể, sẽ bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi của vùng quản lý sông theo đó gồm cả vùng đê và vùng thực vật ven đê; tăng cường vai trò quản lý của cơ quan nhà nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế tại nhiều địa phương vẫn có tình trạng san, lấp, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông hoặc hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông gây ra hiện tượng sạt, lở bờ sông.

Ngoài ra, liên quan về công tác phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, cụ thể là phòng, chống hạn hán, lũ lụt, ngập úng nhân tạo, tại Điều 60 Luật Tài nguyên nước đã quy định hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước và quy định UBND cấp tỉnh công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương. Bộ TN&MT đã có Công văn đôn đốc số 3129/BTNMT-TNN ngày 10/6/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc lập danh mục hồ ao không được san lấp. 

Chính sách - Luật hoá việc bảo vệ lòng, bờ bãi sông tránh san, lấn

Tại nhiều địa phương vẫn có tình trạng san, lấp, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông hoặc hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông gây ra hiện tượng sạt, lở bờ sông

Thực tế cho thấy, trên cùng một dòng sông, đoạn sông đang được nhiều cơ quan quản lý như tài nguyên nước, thuỷ lợi, giao thông, đất đai, xây dựng... theo yêu cầu của quản lý chuyên ngành (pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa điều chỉnh luồng lạch và phần sông có công trình thủy; pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai điều chỉnh phần bờ và bãi sông có đê...), khi xảy ra xói lở, sạt lở bờ thì phần phòng do ngành tài nguyên và môi trường thực hiện, tuy nhiên phần chống lại do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện.

Bên cạnh đó, các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương như: quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thuỷ; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thuỷ điện, thuỷ lợi, nuôi trồng thuỷ sản... chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và uỷ ban nhân dân các tỉnh nhất là còn sự giao thoa, chưa làm rõ được đối tượng quản lý về nguồn nước và công trình thuỷ lợi giữa lĩnh vực tài nguyên nước và thuỷ lợi.

Vì vậy, để tăng cường vai trò của cơ quan quản lý tài nguyên nước về thống nhất các hoạt động bảo vệ, quản lý tài nguyên lưu vực sông hiện nay, trong đề nghị xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét trong năm 2023, Bộ kiến nghị bổ sung chính sách quy định liên quan đến bảo vệ lòng, bờ bãi sông, đặc biệt là bổ sung quy định về phạm vi bảo vệ và Luật hoá các quy định về hành lang, quy định về khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bò, bãi sông ở các văn bản dưới Luật.

Cụ thể, sẽ bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi của vùng quản lý sông theo đó gồm cả vùng đê và vùng thực vật ven đê; tăng cường vai trò quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, theo đó, tất cả các hoạt động có liên quan đến đất và nước trong vùng sông phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý sông được chỉ định cụ thể bất kỳ tổ chức/cá nhân có ý định xây dựng, tái tạo hoặc dỡ bỏ công trình trên đất trong vùng sông phải được sự cho phép của cơ quan quản lý sông và chỉ được sử dụng sau khi được kiểm tra bởi cơ quan quản lý sông.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/luat-hoa-viec-bao-ve-long-bo-bai-song-tranh-san-lan-a12845.html