Cần cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM sớm có đường Vành đai 3

(NLĐO) - Dự án đường Vành đai 3 TP HCM cần cơ chế, chính sách đặc thù tương tự đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông để hoàn thành vào năm 2026 như kế hoạch đề ra.

Chiều 11-3, UBND TP HCM tổ chức Hội thảo "Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM". 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết ngay từ những tháng cuối năm 2021, UBND TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã họp bàn thống nhất hình thức đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 3. Đến nay, dự án đã hoàn thành báo cáo tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV vào tháng 5-2022.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM sớm có đường Vành đai 3 - Ảnh 1.

UBND TP HCM tổ chức Hội thảo "Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM".

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết báo cáo tiền khả thi đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua và đang thực hiện các bước tiếp theo.

Dự án dài gần 92 km, trong đó đầu tư giai đoạn 1 khoảng 76 km (13 km đi trên cao) và tiếp tục khai thác đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 15,3 km với quy mô 6 làn xe đã được tỉnh Bình Dương đưa vào sử dụng năm 2015.

Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe, tốc độ 80 km/giờ, đường song hành 2 bên tối thiểu 2 làn xe. Dự án được đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ trung ương. Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến bố trí 38.740 tỉ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đoạn qua tỉnh Long An.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM sớm có đường Vành đai 3 - Ảnh 2.

Đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 15,3 km với quy mô 6 làn xe đã được tỉnh Bình Dương đưa vào sử dụng năm 2015.

Đối với phần ngân sách địa phương bố trí cho các đoạn đi qua địa bàn, TP HCM dự kiến chi hơn 24.000 tỉ đồng, Đồng Nai khoảng 1.934 tỉ đồng, Bình Dương hơn 9.600 tỉ đồng và Long An hơn 1.050 tỉ đồng. Dự kiến sau khi được Quốc hội thông qua, dự án khởi công năm 2023, hoàn thành  năm 2026.

Do thời gian cấp bách, các địa phương thống nhất kiến nghị được áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, trong đó có chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gói thầu xây lắp. Đồng thời, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết nguồn vật liệu xây dựng cho dự án.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM sớm có đường Vành đai 3 - Ảnh 3.

TS Trần Du Lịch

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ, cho rằng điểm nghẽn phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hạ tầng giao thông, chậm kết nối giao thông ngày nào là thiệt hại thêm ngày đó. "Cả một vành đai công nghiệp trải dài từ Tây Ninh xuống Vũng Tàu đã hình thành trung tâm công nghiệp của Việt Nam và khu vực, gắn với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, hướng ra biển. Các nhà hoạch định chiến lược vẽ ra các tuyến đường vành đai nhưng vẫn còn trên giấy" – ông Trần Du Lịch nói.

TS Trần Du Lịch cho rằng vấn đề quan trọng nữa là sau khi Quốc hội thông qua chủ trương rồi thì triển khai dự án như thế nào. Cần lấy bài học từ sự chậm trễ của dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận để rút kinh nghiệm. Để tránh việc này, ông đồng tình đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án Vành đai 3, nhất là cơ chế chỉ định thầu.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ủng hộ cơ chế chỉ định thầu với những dự án ưu tiên thời gian, chất lượng như đường Vành đai 3 nhưng lưu ý việc chỉ dịnh thầu phải công khai, minh bạch, phải cực kỳ rõ ràng, chặt chẽ.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM sớm có đường Vành đai 3 - Ảnh 4.

GS-TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM - cho rằng phải chặt chẽ trong khâu chỉ định thầu.

Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM - góp ý cần chú ý trong chỉ định thầu phải chọn được đơn vị có năng lực, tránh tình trạng "lợi ích nhóm".

Phát biểu từ đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, còn rất nhiều việc phải làm. Mục tiêu là cố gắng rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, trước mắt là giải phóng mặt bằng, sau là tổ chức thi công. Cố gắng đến năm 2025-2026, dự án cơ bản hoàn thành.

Theo ông Thọ, nếu dự án đường Vành đai 3 hoàn thành đúng tiến độ thì tiếp tục chuẩn bị dự án đường Vành đai 4 và các dự án hạ tầng giao thông khác. Dự án đường Vành đai 3 là dự án trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông nên thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng kiến nghị cơ chế chỉ định thầu là phù hợp.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM sớm có đường Vành đai 3 - Ảnh 5.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, sau Vành đai 3, các tỉnh sẽ khởi động các dự án giao thông quan trọng khác.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP HCM và 3 tỉnh quyết tâm làm cho bằng được dự án đường Vành đai 3 sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Bên cạnh chuẩn bị triển khai dự án này, TP HCM và các tỉnh trong khu vực vùng kinh tế trong điểm phía Nam sẽ rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển giao thông vùng, sau đó khởi động dự án đường Vành đai 4 và các tuyến đường cao tốc.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/can-co-che-chinh-sach-dac-thu-de-tp-hcm-som-co-duong-vanh-dai-3-a12837.html