Mới đây, Sở Y tế Hà Nội công bố 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 sống cùng nhà tại quận Hà Đông, trong đó 1 bệnh nhân là nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 và người còn lại là thợ cắt tóc vừa tiêm mũi 1 ngày 14/9.
Theo các chuyên gia y tế, người dân vẫn có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, không có vắc-xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Với vắc-xin ngừa Covid-19, loại cao nhất cũng chỉ đạt hiệu quả bảo vệ 85-87% khi tiêm đủ 2 mũi. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cũng tùy theo đáp ứng miễn dịch của từng người.
Liên quan đến trường hợp tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn mắc Covid-19, nhiều người băn khoăn có cần tiêm mũi vắc-xin thứ 3 để tạo kháng thể mạnh hơn?
Trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1- Tp.HCM cho biết: “Sự cần thiết của việc tiêm thêm mũi vắc-xin phòng Covid-19 thứ 3 chưa thực sự rõ ràng và cần có số liệu tổng kết cụ thể. Các nhân viên y tế đều đã tiêm chủng với thời gian 5-6 tháng trước. Chúng tôi không hề tiêm thêm mũi 3. Không có lý do gì để lăn tăn chuyện tiêm mũi tăng cường lúc này”.
Theo bác sĩ Khanh, các nhà chuyên môn chỉ tính tới chuyện tiêm mũi tăng cường ở một số trường hợp đặc biệt, cực hiếm gặp, là người có vấn đề suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, có thể không đáp ứng với mũi tiêm tốt như người bình thường.
Bác sĩ Khanh cũng cho rằng, đối với người là F0 khỏi bệnh cũng cần được coi là người có "thẻ xanh", họ còn an toàn hơn "thẻ xanh" vì khả năng mắc bệnh lại hầu như không có trong ít nhất 6 tháng. Sau 6 tháng, hầu hết họ vẫn còn miễn dịch rất tốt.
Đề cập đến chiến lược tiêm vắc-xin hiện nay, theo bác sĩ Khanh, tiêm vắc-xin không phải để 100% người đã tiêm không mắc bệnh, chúng ta không bao giờ có được tỉ lệ 100%. Mục tiêu của tiêm vắc-xin là giống như người bệnh hết bệnh, để đạt miễn dịch cộng đồng.
Tiêm vắc-xin xong vẫn có tỉ lệ nhất định mắc bệnh lại, tùy theo loại vắc-xin nhưng điều quan trọng nhất, những người đã tiêm đủ vắc-xin thì khó mắc bệnh nặng hoặc tỉ lệ tử vong rất thấp.
Bác sĩ Khanh nhận định, nếu các "thẻ xanh" chỉ giao tiếp với nhau thì tất cả cùng an toàn. Nếu ai mắc bệnh thì hầu hết đều nhẹ. Thứ hai, mầm bệnh trong một cộng đồng toàn "thẻ xanh" sẽ lây chậm hơn do ai cũng khó bị lây và khó lây cho người khác hơn. Khi ít ca bệnh và hiếm ca bệnh nặng, mọi người lần lượt bị nhẹ... thì bệnh Covid-19 không đáng lo nữa.
“Xét về độ nguy hiểm cho bản thân và cả người xung quanh thì "thẻ xanh" là "cựu F0" an toàn nhất, sau đó tới người tiêm 2 mũi, tiếp đến người tiêm 1 mũi, cuối cùng là người chưa tiêm”, bác sĩ Khanh nói.
Thời gian gần đây, có luồng ý kiến cho rằng, cần mở cửa nhiều hoạt động cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Về vấn đề này, không ít nhà chuyên môn cho rằng những người đã tiêm đủ mũi vắc-xin và áp dụng 5K có thể trở lại cuộc sống làm việc, học tập bình thường.
“Không có loại vắc-xin nào hoàn hảo 100%, vắc-xin giúp chúng ta có được sự miễn dịch hoàn hảo. Vắc-xin giống như đánh trận giả, có người “đánh trận” xong thì lanh lẹ, có người lại chậm chạp. Người dân khi đã tiêm đủ mũi vắc-xin không nên chủ quan mà cần tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, tuân thủ 5K, chứ không phải cứ tiêm đủ vắc-xin là tự do đi lại và lơ là các biện pháp phòng chống dịch”, bác sĩ Khanh lưu ý.
Quay trở lại việc có cần tiêm mũi tăng cường để phòng Covid-19, theo thông tin đăng tải trên Baochinhphu.vn, Nhật Bản vừa quyết định tiêm mũi vắc-xin Covid-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ 2 mũi và dự định sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất là cuối năm nay.
Trong khi đó, một hội đồng cố vấn độc lập của FDA chỉ khuyến nghị tiêm liều vắc-xin thứ 3 của Pfizer/BioNTech cho những người trên 65 tuổi và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. FDA khuyến nghị tiêm liều tăng cường Pfizer cho người lớn tuổi.
Theo TTXVN, ngày 17/9, một hội đồng cố vấn độc lập của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bỏ phiếu khuyến nghị tiêm liều vắc-xin thứ 3 – liều tăng cường - của Pfizer/BioNTech cho những người trên 65 tuổi và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Khuyến nghị này thu hẹp đáng kể so với đề nghị trước đó là sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường đại trà cho toàn bộ những người trên 16 tuổi ở Mỹ.
Theo truyền thông Mỹ, mặc dù khuyến nghị của hội đồng cố vấn không có giá trị ràng buộc đối với FDA, nhưng vẫn cần được tham khảo.
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy tiêm mũi thứ 3 vắc-xin ngừa Covid-19 của Sinopharm có thể giúp phục hồi mức độ kháng thể trong cơ thể người được tiêm, sau khi lượng kháng thể này bị giảm xuống vài tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường cho các đối tượng có nguy cơ cao hơn trong dân số, khi ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng mức độ kháng thể sẽ suy yếu theo thời gian.
Theo kết quả phân tích các mẫu máu của các nhân viên y tế đã được tiêm vắc-xin của Sinopharm, khoảng 5 tháng sau mũi thứ 2, nồng độ trung bình của kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2 sẽ giảm xuống 70% so với thời điểm 4 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2. Tuy nhiên, 1 tuần sau khi tiêm mũi thứ 3, nồng độ kháng thể đã tăng trở lại gấp 7,2 lần, so với mức độ ghi nhận ở thời điểm 5 tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Ngân Giang
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/co-can-tiem-mui-vac-xin-thu-3-de-phong-covid-19-a1267.html