Sáng 1/10, theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Thành phố ghi nhận thêm 5 ca dương tính mới, đều là ca ở trong cộng đồng. Như vậy, trong ngày 30/9 và sáng 1/10, Hà Nội đã ghi nhận 7 ca dương tính với SASR-CoV-2 tại cộng đồng.
Số ca mắc mới trong sáng nay thuộc chùm sàng lọc ho sốt, phân bố tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Nam Từ Liêm. Đáng chú ý, các ca bệnh này không cùng một ổ dịch, hầu hết chưa xác định được nguồn lây.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh: “Việc Hà Nội phát hiện những ca mới trong cộng đồng vẫn nằm trong dự liệu từ trước của các cơ quan chuyên môn. Tp.Hà Nội sau thời gian giãn cách không thể nói là không còn nguy cơ”.
Từ 7 ca F0 vừa phát hiện, ông Trần Đắc Phu lưu ý, đó là những đối tượng có nguy cơ khi phải di chuyển, tiếp xúc nhiều (ca F0 là người chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức; ca F0 làm nghề decor nội thất, bán hàng online, người giao hàng…). Đặc biệt, khu vực Bệnh viện Việt Đức luôn tiềm ẩn yếu tố dịch tễ do trước đó ở quận này cũng có một số ổ dịch phức tạp. “Chúng ta cần xem xét ca bệnh ở Bệnh viện Việt Đức có liên quan đến các tỉnh, thành khác hay không”, ông Phu nói.
Theo đánh giá của ông Trần Đắc Phu, các ca bệnh có xu hướng rải rác, nhiều nguồn lây khác nhau. Vì thế, khi Thành phố nới lỏng, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. “Giải pháp trước mắt, Hà Nội khoanh chặt các ổ dịch, phong tỏa và xét nghiệm, truy vết để tách ca bệnh", ông Phu lưu ý.
Ông Trần Đắc Phu cho rằng, những ca F0 mới không ảnh hưởng quá nhiều đến lộ trình nới lỏng của Hà Nội hiện tại. Tuy nhiên, Thành phố cần đánh giá nguy cơ để có những giải pháp kịp thời.
Ông Phu cũng đề nghị người dân không chủ quan, tuân thủ nghiêm 5K của Bộ Y tế và đặc biệt hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết, tránh nơi đông người, khu vực có nguy cơ phức tạp. "Những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cũng có nguy mắc Covid-19 vì vậy người dân tuyệt đối không được chủ quan. Khi chúng ta chưa đạt được miễn dịch cộng đồng, người dân luôn phải nâng cao ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh", ông Phu khuyến cáo.
“Có nguồn là có nguy cơ. Chúng ta cần nêu cao tinh thần cơ quan an toàn, khu phố an toàn, chợ an toàn, đi lại an toàn… Nếu nới lỏng mà người dân chủ quan thì sẽ “bùng” lên. Hà Nội cũng cần thận trọng mở cửa để vừa đáp ứng việc phục hồi sản xuất an toàn đồng thời kiềm chế phần nào nguy cơ bùng phát dịch”, ông Phu lưu ý.
Bên cạnh việc đề xuất các quận, huyện phải đẩy mạnh sàng lọc khu vực nguy cơ cao, theo ông Trần Đắc Phu công tác xét nghiệm cần có trọng điểm, tránh dàn trải lãng phí nguồn lực.
Tính từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.980 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, số nhiễm ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.608 ca, số trường hợp đã cách ly gồm 2.372 ca.
Liên quan tới ca mắc Covid-19 ở Bệnh viện Việt Đức vừa phát hiện chiều qua, qua rà soát số người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân này lên tới 90 người, gồm 20 nhân viên y tế, 35 người nhà, 35 bệnh nhân. Những trường hợp này đều đã được lấy mẫu xét nghiệm, đang chờ kết quả.
Phường Hàng Trống đã đóng cửa hàng dọc phố Phủ Doãn (đoạn từ phố Hàng Bông đến phố Tràng Thi). UBND quận Hoàn Kiếm cũng yêu cầu phường này tạm thời phong toả và điều tra các hộ dân, cơ sở kinh doanh đoạn phố trên để lấy mẫu xét nghiệm.
Quận Hoàn Kiếm thông báo cơ quan cùng cấp ở quận Đống Đa phối hợp điều tra dịch tễ trường hợp liên quan ở phố Phương Mai. Đây là nơi bệnh nhân Covid-19 đã đến mua vật tư y tế chiều 19/9. Cơ quan chức năng đã tạm thời phong tỏa tòa nhà D Bệnh viện Việt Đức.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/ha-noi-phat-hien-7-ca-mac-cong-dong-chuyen-gia-canh-bao-dieu-gi-a1166.html