Thông tin sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam hy sinh trên TikTok là tin giả

(NLĐO)- Ngày 9-2, thông tin từ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết đang tiến hành xác minh một đối tượng tung tin giả trên mạng xã hội về việc một sĩ quan của Cục Gìn giữ hòa bình hy sinh tại Uganda.

Trước đó, một tài khoản trên mạng xã hội TikTok tên Đ.M.T. đã đăng tải thông tin kèm hình ảnh: "Đ/c Nguyễn Văn Thái SN 1996 đại đội phó đại đội 2, trợ lý phái bộ GGHB LHQ hy sinh lúc 3h55' tại Uganda xin chia buồn cùng gia đình đồng chí".

Thông tin này đã gây chú ý trên mạng xã hội, khiến nhiều người băn khoăn về độ chân thực của thông tin.

Thông tin sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam hy sinh trên TikTok là tin giả - Ảnh 1.

Hình ảnh thông tin giả trên mạng xã hội

Đại diện của Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam cho biết lực lượng không có thành viên nào tên là Nguyễn Văn Thái, thông tin được đăng tải là giả. Hiện, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh người tung tin giả.

Luật an ninh mạng nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Do đó, nếu tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung thông tin sai sự thật lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (đối với tổ chức vi phạm) và từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng tải.

Trường hợp, người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc, gây dư luận xấu thì bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, với khung hình phạt từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/thong-tin-si-quan-gin-giu-hoa-binh-viet-nam-hy-sinh-tren-tiktok-la-tin-gia-a10593.html