Sự tích 99 ngọn núi Hồng và quyết định dời đô chỉ vì một con chim Phượng

(NLĐO)- Tương truyền, núi Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh (tên Nôm là Ngàn Hống), có 99 ngọn núi trập trùng kỳ vĩ đã từng là nơi vua Kinh Dương Vương (ông nội vua Hùng) định đô, tuy nhiên nơi đây sở dĩ không trở thành đế đô lâu dài thời Hùng Vương vì nhà vua đã nhìn thấy 100 con phượng hoàng bay về rồi lại bay đi.

Sự tích về 99 ngọn núi Hồng

Núi Hồng Lĩnh (tên Nôm là Ngàn Hống) là dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam xưa và được nhà Nguyễn khắc vào Anh đỉnh hiện đang đặt tại cố đô Huế (Năm Minh Mạng Thứ 7.1836). Xuất hiện cách nay khoảng 1 triệu năm, núi Hồng Lĩnh có tới 7 tên gọi khác nhau như Ngàn Hống, Núi Hồng, Rú Lớn, Rú Cao, Hương Tượng, Hồng Sơn, Hồng Lĩnh. Với chiều dài 30km, rộng 15km, Núi Hồng Lĩnh trải rộng trên địa bàn của 3 huyện Nghi Xuân, Can Lộc và Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh.

Sự tích 99 ngọn núi Hồng và quyết định dời đô chỉ vì một con chim Phượng - Ảnh 1.

Một góc núi Hồng Lĩnh nhìn từ trên cao (Ảnh Thanh Hải)

"Núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh, đỉnh cao nhất 678m (so với mực nước biển), tương truyền được một người khổng lồ có tên gọi ông Đùng, đã gom nhặt tất cả những quả núi mọc đơn lẻ tại các vùng châu thổ sông Lam và sông La xếp thành. Khi xếp được 99 ngọn núi, còn một ngọn cuối cùng thì ông Đùng đã đánh rơi sang phía bờ bắc sông Lam trở thành rú Rum. Tương truyền Ông Đùng còn đào quặng sắt ở Hồng Lĩnh và bày cho dân các làng Vân Chàng, Minh Lương nghề đúc, rèn còn truyền lại cho đến ngày hôm nay", ông Đặng Quang Vinh, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho hay.

Cũng theo ông Vinh, tên các đỉnh núi ở đây được đặt theo hình dáng như: Thiên Tương, Ngũ Mã (hình 5 con ngựa), Sư Tử, Hàm Rồng, Lập Phong..., nhưng cũng có đỉnh núi lại được đặt tên theo truyền thuyết hoặc tên các danh nhân như: Rú Cơm, Rú Cà, Hương Tích, Trần Soa... Dưới chân núi Hồng, dòng sông Lam uốn lượn như dải lụa, đưa nước ngọt, phù sa bồi đắp cho những ruộng lúa, bãi dâu đôi bờ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nó trở thành hình ảnh thơ mộng cả trong đời thực cũng như thơ văn.

"Tuy vậy, trên thực tế núi Hồng Lĩnh chỉ có 60 đỉnh. Để thuận tiện cho đi lại người ta hình thành nên 8 cửa truông, đó là: Cộng Khánh, Vắn (Cố Ghép)... Trong núi có nhiều hang động như: Động 12 cửa, động Chẻ Hai, động Đá Hang, động Hàm Rồng... cùng rất nhiều khe, suối. Trong đó, đặc biệt có truông Cộng Khánh nối từ Kẻ Lách vào Kẻ Treo xưa là tượng lộ (đường voi chiến đi để tránh cầu), đây cũng chính là con đường Truông Hống - Đò Cài ngày xưa mà Đại thi hào Nguyễn Du đi từ Tiên Điền (huyện Nghi Xuân) sang Trường Lưu (huyện Can Lộc) gặp gỡ bạn bầu giao lưu, nghe hát Ví Giặm" ông Vinh cho biết thêm.

Trở thành phế đô chỉ vì một con chim Phượng bay đi

Theo sử sách và truyền thuyết, vua Kinh Dương Vương đã chọn đóng đô tại Ngàn Hống nhưng về sau, thấy vùng châu thổ sông Hồng thuận lợi nên đã thiên đô ra Phong Châu (tỉnh Phú Thọ).

Cũng theo ông Vinh, tương truyền, Kinh Dương Vương sau khi lên làm vua đã đem quân lính theo núi Nam Miên đi về phía Nam. Trên đường đi nhà vua ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để định đô, lập ấp và vua đã chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, có 99 ngọn núi sừng sững, kỳ vĩ như bức trường thành (xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống). Vùng này giáp biển, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn, hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, đồng điền đủ rộng, khả dĩ, con người có thể tự làm lụng để nuôi sống lâu dài. Nhà vua đứng trên núi cao, phóng tầm mắt ra xa muôn trùng sóng cả, núi non địa bàn hiểm trở, tiến có thế công, thoái có thể thủ, là điều lợi thế bậc nhất cho một Vương triều mới sơ khai định đô. Với tầm nhìn bao quát càn khôn đó, Kinh Dương Vương đã cho dựng Kinh đô ở đây và đặt tên nước là Xích Quỷ (nghĩa là ngôi sao đỏ). Kinh thành xây xong, nhà vua cưới Thần Long làm Hoàng Hậu rồi sinh ra Long Vương (Lạc Long Quân, sau này nối ngôi cha lên làm vua, xưng là Hùng Hiền Vương). Từ đó, Kinh đô Ngàn Hống đã mở ra một thời kỳ mới của của đất nước Văn Lang xưa.

Sự tích 99 ngọn núi Hồng và quyết định dời đô chỉ vì một con chim Phượng - Ảnh 2.

Một góc núi Hồng Lĩnh nhìn từ trên cao (Ảnh Thanh Hải)

"Theo sách Lĩnh Nam chích quái, một lần nhà vua đi thuyền du ngoạn trên dòng Thanh Long (sông Lam ngày nay) thấy nơi đại địa Hồng Lĩnh rồng phụng, hổ chầu có 100 con Phượng Hoàng bay đến tìm chỗ đậu. Tuy nhiên, do Núi Hồng Lĩnh (rú Ngàn Hống) chỉ có 99 ngọn, vì vậy con chim đầu đàn không có chỗ đậu nên đã cất cánh bay đi làm cả đàn bay theo. Nhà vua cho đó là điềm trời, nên phế bỏ nơi này, không chọn Hồng Lĩnh là đế đô lâu dài" - ông Vinh nói.

Không còn là kinh đô của đất nước, nhưng dấu tích về một kinh thành Ngàn Hống với những thiên truyện thần kỳ trên dãy núi 99 ngọn, vẫn còn sống mãi trong tâm trí nhân gian.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, núi Hồng Lĩnh vẫn sừng sững uy nghi như hàng triệu năm trước, trấn giữ phong ba cho vùng đất Hà Tĩnh. Bao quanh dãy núi Hồng là những làng quê nổi tiếng và ở đó từ bao đời nay đã xuất hiện những danh nhân kiệt xuất làm rạng danh đất và người Hà Tĩnh như: cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy; Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ; Đại thi hào Nguyễn Du; Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/su-tich-99-ngon-nui-hong-va-quyet-dinh-doi-do-chi-vi-mot-con-chim-phuong-a10348.html