Mong manh phận người
Trong những buổi sáng với chút tỉnh táo sau khi cơn sốt lùi, tôi ngồi tĩnh tâm, hít thở. Đặc điểm của Covid-19 là làm ta thở khó. Như thể hai lá phổi bị đóng băng. Hơi thở đứt quãng làm người bệnh đuối, dễ "theo ông bà" lắm. Nên phải cố gắng chống lại bằng cách tập thở. Tập thở ra nhè nhẹ, thở vào sâu sâu. Những lúc ấy tôi thấy sự sống sao quá mong manh. Sự sống phụ thuộc vào hơi thở này. Đó cũng là thời điểm số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, số ca tử vong lên ba con số mỗi ngày. Đêm đêm tiếng xe cấp cứu đầy ám ảnh. Lòng không thể không lo âu.
Sau những ngày bệnh, tôi thấy tôi sống đã khác trước. Một cách tự nhiên. Tôi thấy mình quý thời gian hơn. Tôi muốn những ngày sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn. Có lẽ sau mỗi biến động lớn trong đời, con người thường có xu hướng nhận thức lại cuộc sống, điều chỉnh hành vi để có một cuộc sống tốt hơn.
Trước đại dịch, chúng ta không nghi ngờ về tính bền vững của những giá trị mà cuộc sống mang lại, thậm chí coi là bất biến thì nay phải thay đổi quan niệm. Cuộc sống bền vững đấy nhưng cũng mong manh đấy. Nhiều bạn bè tôi hôm trước còn gọi điện hỏi thăm thì hôm sau đã rời xa cõi đời. Nhanh đến nỗi hoang mang tự hỏi đó là thật hay mơ. Đối diện nhà tôi, một ông bạn láng giềng ngày thường gặp nhau uống trà trò chuyện, nay mãi mãi ra đi vì Covid-19. Đành lỗi hẹn uống trà với ông. Lòng lại ước được quay về những ngày cũ còn ngồi bên nhau. Tất nhiên ngày cũ thì không quay về được. Mới thấy mỗi ngày được sống thật quý biết bao.
Bó lá xông vô giá
Sau mùa dịch, đi ngang một tòa nhà bỏ phế, tôi ngạc nhiên vì trước dịch nơi đây là trung tâm mua sắm sầm uất. Nhìn lá rụng lấp kín gần khoảng sân lòng thoáng chút ngậm ngùi. Khung cảnh nhắc tôi về những thay đổi nhanh chóng của cuộc đời. Vâng, cuộc đời này không có gì là vĩnh cửu, bất biến. Con người ta khi đứng trước sự thay đổi lớn, nhất là ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết mới thấy bao thứ bon chen, tranh giành trước đây trở nên phù phiếm. Nhưng thật ra, những thứ phù phiếm trước đây ta làm với niềm đam mê đó chứ, nhưng nay do hệ giá trị cuộc sống thay đổi, con người sống khác trước nên chúng trở nên phù phiếm đó thôi.
Một lần, tôi nhận được cuộc gọi của anh T., một người anh bà con. Nghĩ là cũng sẽ nhận được một lời thăm hỏi như bao người quen khác, nhưng không, anh đã đi xe máy đến đứng trước cửa nhà tôi. Nghe tôi bệnh, anh mang đến một bó to lá xông - toàn những thứ lá trên rừng không biết anh kiếm được ở đâu trong những ngày "ai ở nhà đó" này. Nhà anh ở quận Bình Tân, đâu phải gần. Trời lại đang mưa. Mở cửa. Hình ảnh anh đứng trong mưa làm tôi xúc động. Hôm đó, bó lá xông được tôi chia làm hai. Xông hai lần thì cơn sốt tan.
Tình cảm của người thân nói chung chính là nguồn sức mạnh tinh thần giúp ta đẩy lui nhiều khó khăn trong đời. Nhưng không chỉ vậy, họ còn làm cho cuộc đời ta ấm áp hơn, hạnh phúc hơn. Chúng ta không thể sống mà không có anh em, người thân, bạn bè. Trước nay ta vẫn quan niệm vậy, nhưng đợt dịch bệnh vừa qua giúp ta soi chiếu lại và nhận rõ hơn tình cảm anh em, người thân, bạn bè là vô giá. Bó lá xông của anh T. về vật chất chẳng đáng giá bao nhiêu nhưng về tinh thần thì không thể đo đếm. Rồi một cách tự nhiên, trong sinh hoạt chúng ta có sự điều chỉnh, dành thời gian nhiều hơn cho người thân, bạn bè, anh em. Và hãy thực hiện ngay khi có điều kiện. Đừng trì hoãn nữa. Vì bạn biết không, tôi đã từng thấy những giọt nước mắt ân hận của một người con có mẹ qua đời trong đại dịch. Những giọt nước mắt đầy ám ảnh vì không kịp trả ơn cho đấng sinh thành nữa rồi.
Rõ hơn tình làng nghĩa xóm
Xóm tôi ở đa phần là người lao động làm nghề tự do. Đối diện nhà tôi là xưởng mộc. Ngày thường, tiếng cưa xẻ, bụi bặm của xưởng ít nhiều làm khó chịu những người láng giềng. Đã vậy đám thợ thanh niên cuối tuần thích tụ lại uống bia, hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Thử hỏi ai mà chịu nổi!
Trong những ngày giãn cách, đám thợ ở xa quê chọn xưởng làm nhà. Giãn cách ai ngờ kéo dài tháng này qua tháng khác, thế là bao nhiêu tình huống mới phát sinh trong xóm. Rác thải sinh hoạt trong các hẻm sâu bị rào chắn không có người thu gom bắt đầu chất cao. Rác cản trở việc đi lại và bốc mùi, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Chúng tôi - những người chủ xóm mình - thật là lúng túng, chưa biết tính sao thì một hôm thấy các bạn trẻ trong xưởng mộc kéo ra dọn dẹp. Tuần hai lần, con hẻm trở nên sạch sẽ. Lúc khu phố cần người mang gạo cứu trợ phân phát cho từng hộ, các bạn trẻ cũng xông vào làm. Người dân trong xóm nói đám thợ trẻ "dễ thương ghê".
Khi đợt giãn cách kéo sang tháng thứ ba, các bạn trẻ bắt đầu lâm cảnh khó khăn vì hết tiền. Lúc này những người láng giềng tới gõ cửa xưởng mộc, người cho bó rau người tiếp tế mì gói... Trong giãn cách mà lòng người gần lại. Mới hay ngày thường quan hệ xóm giềng không rõ nét. Khi dịch bùng phát, láng giềng mới gần nhau hơn. Trong cảnh tối lửa tắt đèn mới nhận ra rõ hơn tình làng nghĩa xóm.
Trong những ngày giãn cách, thỉnh thoảng tôi cũng nhận được thực phẩm hỗ trợ từ bà con trong xóm. Lòng vui đã đành, những gói mì bó rau còn nhắc tôi rằng có một thứ còn quý hơn là tình người. Có tình người thì mọi thứ dịch bệnh đều bị đẩy lui. Bỗng nhận ra lối sống trước đây có một cái gì đó như là ích kỷ, khép kín. Nay ta trở nên quan tâm đến mọi người hơn. Tôi nghĩ nếu mỗi người trong chúng ta có một ý thức như vậy và cố gắng duy trì nó thì nếp sống cộng đồng sẽ tốt đẹp hơn lên biết bao nhiêu.
Link nội dung: https://congnghedoisong.net/long-nguoi-gan-lai-a10229.html