Hành trình chinh phục cà phê organic của chàng kỹ sư xây dựng

Sau 5 năm ngược xuôi với các dự án cầu đường, anh Lê Văn Vương quyết định về vùng đất đỏ bazan và từng bước chinh phục sản phẩm cà phê hữu cơ.

Mạnh dạn khởi nghiệp

Nhắc đến anh Lê Văn Vương (SN 1984), trú xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước hành trình chinh phục sản phẩm cà phê hữu cơ (organic) của một người “ngoại đạo”.

Sinh ra ở một làng quê của tỉnh Thanh Hóa, từ nhỏ anh Vương đã thấm thía nỗi cực nhọc của người nông dân gắn bó với ruộng đồng quanh năm nhưng chẳng đủ ăn. Đến năm 1996, gia đình anh Vương chuyển vào Đắk Lắk lập nghiệp.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3 (Tp.HCM), chuyên ngành xây dựng cầu đường, anh Vương bắt đầu công việc của một kỹ sư và ngược xuôi với các dự án. Thế nhưng, thất bại và vấp ngã không ngừng đến với chàng trai trẻ. “Sau một thời gian rong ruổi với các công trình, tôi cảm thấy cuộc sống của mình quá chông chênh. Thu nhập không ổn định, công việc nay đây mai đó, gần như tôi không có thời gian chăm sóc cho gia đình”, anh Vương chia sẻ.

Sản phẩm - Hành trình chinh phục cà phê organic của chàng kỹ sư xây dựng

Anh Vương (mặc áo trắng, ở giữa) chia sẻ những kiến thức về quy trình canh tác cà phê hữu cơ cho người dân.

Sau 5 năm, nhận thấy bản thân không phù hợp với công việc của một kỹ sư xây dựng cầu đường, anh Vương quyết định trở về Đắk Lắk tìm hướng đi mới. Tại đây, ngắm nhìn những trái cà phê chín mọng đã khơi gợi trong anh niềm đam mê khởi nghiệp từ chính loài cây quen thuộc ngay trên quê hương thứ hai của mình.

Năm 2012, anh Vương xin vào làm việc tại một số công ty cà phê ở Tp.Buôn Ma Thuột để có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp cận thị trường. Trò chuyện với Người Đưa Tin, anh Vương kể: “Quá trình đi làm, tôi nhận thấy, đa số mọi người đều tìm đến quán cà phê để bàn bạc, giải quyết công việc. Chính vì vậy, tôi nung nấu cho mình ý tưởng thành lập một hãng cà phê riêng, tạo ra những phẩm cà phê đặc biệt, được mọi người ưa chuộng”.

Năm 2015, anh Vương quyết định thành lập Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công (Công ty Vương Thành Công) chuyên thu mua cà phê cho người dân để sản xuất và thương mại.

Thành công từ cà phê hữu cơ

Để học hỏi thêm kinh nghiệm và khai thác thị trường, năm 2016, anh Vương đã trở lại Tp.HCM mở quán cà phê. Đáng nói, dù công việc kinh doanh bận rộn, nhưng anh Vương không quên dành thời gian để nghiên cứu về các sản phẩm cà phê.

Trong những lần trò chuyện với vị tiến sĩ nông nghiệp ở Tp,HCM, hay một số Việt kiều Pháp, Mỹ, anh Vương được nghe câu chuyện về nông nghiệp hữu cơ đang được thị trường trên thế giới ưa chuộng, dù giá thành cao gấp 10 lần so với cà phê thông thường. Bởi, đây không chỉ là sản phẩm cà phê sạch mà còn tốt cho sức khỏe.

Sản phẩm - Hành trình chinh phục cà phê organic của chàng kỹ sư xây dựng (Hình 2).

Nhiều cá nhân, đơn vị đến thăm, tìm hiểu về mô hình trồng cà phê hữu cơ của anh Vương.

Những câu chuyện thú vị này thôi thúc anh Vương đi đến quyết tâm tận dụng thế mạnh của quê hương để sản xuất cà phê hữu cơ sạch, chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Đồng thời, anh cũng xác định đây là hướng đi riêng, chủ đạo của Công ty Vương Thành Công. Để hiểu hơn về cà phê hữu cơ, ngoài việc tìm hiểu qua sách vở, các khóa học, anh Vương không ngần ngại đến nhiều vùng trồng nổi tiếng để học hỏi kinh nghiệm.

Quá trình tìm hiểu, anh cho rằng để có sản phẩm cà phê sạch thì trước hết cần có vùng nguyên liệu sạch và muốn có vùng nguyên liệu sạch thì phải quản lý được đầu vào, đặc biệt là thay đổi thói quen sản xuất bằng phân hóa học bấy lâu. Anh Vương hiện thực hóa ý tưởng bằng việc trồng thử nghiệm 1,4ha cà phê hữu cơ tại rẫy của chính gia đình mình ở xã Ea Kao.

Để đảm bảo dưỡng chất cho cây cà phê, anh Vương sử dụng phân chuồng, vỏ, lá cà phê, xác thực vật ủ cùng men vi sinh và chế phẩm sinh học từ 3-6 tháng. Ngoài ra, anh còn liên kết với công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ sinh học tại Tp.HCM có chi nhánh tại Đắk Lắk để được chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn giúp cho cây cà phê phát triển khỏe mạnh, bền vững.

Ngoài sản xuất trên diện tích đất của gia đình, anh Vương đi tìm các vườn cà phê có thổ nhưỡng tốt, địa thế theo tiêu chuẩn đề nghị người dân liên kết với Công ty Vương Thành Công làm cà phê hữu cơ. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được giá trị của việc sản xuất cà phê hữu cơ. Anh kể: “Ban đầu, mọi người không khỏi hoài nghi về phương pháp sản xuất cà phê hữu cơ của tôi. Họ cho rằng, cách làm này không chỉ mất thời gian, tốn công sức mà năng suất sẽ bị giảm, dẫn đến thu nhập giảm theo”.

Thế nhưng, bằng sự quyết tâm, kiên trì, một năm sau đó, anh Vương đã chứng minh cho mọi người thấy được, việc chuyển đổi sang trồng cà phê hữu cơ không làm giảm sản lượng. Đặc biệt, cây cà phê hữu cơ xanh, khỏe mạnh, tốt hơn, đồng thời nhân cà phê thu hoạch giá cao hơn 40%.

Thấy được những hiệu quả đó, nhiều người dân chủ động liên kết với công ty của anh Vương để chuyển sang sản xuất cà phê hữu cơ và được thu mua với giá cao hơn thị trường từ 10.000-20.000 đồng/kg. Anh Vương khẳng định: “Sau khi liên kết, chúng tôi đều hướng dẫn, kiểm tra rất nghiêm ngặt quy trình canh tác của bà con. Có nhiều hộ làm việc không uy tín, không tuân thủ các quy trình mà công ty đưa ra thì đều bị loại bỏ. Đến nay, tổng diện tích của công ty và liên kết với 10 hộ dân để sản xuất cà phê hữu cơ là hơn 16ha”.

Sản phẩm - Hành trình chinh phục cà phê organic của chàng kỹ sư xây dựng (Hình 3).

Anh Vương đưa sản phẩm cà phê hữu cơ của mình tham gia nhiều sự kiện, triển lãm nông sản organic.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm cà phê hữu cơ của mình, anh Vương tham gia nhiều sự kiện, triển lãm nông sản organic, quảng bá sản phẩm trên các kênh trực tuyến, đồng thời mở rộng phân phối qua các đại lý, công ty rang xay. Mặt khác, anh đã tận dụng mạng xã hội để đăng tải những hình ảnh thực tế về quy trình canh tác, chế biến cà phê hữu cơ để khách hàng hiểu hơn về sản phẩm mà công ty làm ra.

Không ngừng đa dạng sản phẩm

Không dừng lại ở những thành quả nói trên, trong những lần lên rẫy thu hoạch cà phê, anh Vương đều hái vài trái chín để ăn. Vị ngọt từ vỏ cà phê tan trong lưỡi khiến anh nảy ra ý tưởng chế biến thành sản phẩm trà cascara (còn gọi là trà từ vỏ cà phê). Sản phẩm trà cà phê đã được rất nhiều khách hàng ưa chuộng vì hương vị lạ và độc đáo.

Từ thành công của trà cà phê, năm 2018 anh tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu làm rượu từ vỏ thịt quả cà phê hữu cơ chín mọng. Từ đó, chàng trai trẻ cho ra đời dòng sản phẩm rượu cà phê và vang cà phê. Hai sản phẩm này giá cao nhưng cũng không đủ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

“Trà cà phê, rượu cà phê, vang cà phê được làm thủ công và bằng cả trái tim. Bằng những sản phẩm này, bản thân tôi luôn hướng đến khát vọng nâng tầm giá trị cà phê Việt”, anh Vương cho biết.

Ngoài ra, anh Vương còn tận dụng tối đa thời gian để chia sẻ các kiến thức về ngành cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Thông qua các lớp học này, anh Vương mong muốn các bạn trẻ có được nền tảng cơ bản để khởi nghiệp thành công với ngành cà phê, từ đó khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam với khách hàng nội địa và quốc tế.

Sản phẩm đạt OCOP 4 sao                               

Năm 2020, sản phẩm cà phê mộc đặc biệt Vương Thành Công được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Theo anh Lê Văn Vương, trong giới cà phê, cà phê mộc đặc biệt là sản phẩm cà phê duy nhất của tỉnh cho tới thời điểm hiện tại đạt OCOP 4 sao. Đây là lợi thế để các sản phẩm cà phê nội địa ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Thơ Trịnh

Link nội dung: https://congnghedoisong.net/hanh-trinh-chinh-phuc-ca-phe-organic-cua-chang-ky-su-xay-dung-a10127.html